An Giang hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19

07/12/2021 - 05:54

 - Hiện nay, toàn tỉnh An Giang đã chi đạt khoảng 80% các chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 1856/QĐ-UBND của UBND tỉnh về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Sự khẩn trương vào cuộc đã kịp thời chăm lo, hỗ trợ cho người dân trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.

Chi hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19

Giai đoạn đầu khi triển khai thực hiện, nhiều địa phương đã gặp khó khăn trong công tác rà soát lập hồ sơ và tổ chức chi trả cho các đối tượng. UBND tỉnh và các sở, ngành đã ghi nhận, tiếp tục có kiến nghị và hướng dẫn giải pháp tháo gỡ kịp thời. Ngay sau đó, các địa phương gấp rút triển khai đảm bảo nhanh gọn, đúng đối tượng. Tiến độ chi hỗ trợ các gói theo quy định cho người dân bị ảnh hưởng được công khai thông tin hàng ngày trên Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang.

Đến ngày 2-12, UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ 300.290 người (trong đó lao động tự do 209.589 người), 1.633 doanh nghiệp, 7.681 hộ kinh doanh, tổng số tiền trên 445,3 tỷ đồng. Qua đó, đã thực hiện hỗ trợ cho 253.335 người (có 183.541 lao động tự do), 100% doanh nghiệp, 1.559 hộ kinh doanh, tổng số tiền chi hơn 319,3 tỷ đồng. Trong các nhóm chính sách, chi trả cho đối tượng lao động tự do chiếm số lượng nhiều nhất. Huyện Phú Tân là địa phương thực hiện cơ bản hoàn thành 100%, kế đến là các huyện: Chợ Mới, Châu Phú, Tri Tôn đạt tỷ lệ 99%. Các huyện khác đạt tỷ lệ từ 80% trở lên.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Phú Tân Võ Thanh Tùng cho biết, các chính sách được tập trung điều hành của UBND huyện, giao cụ thể cho từng ngành. Đặc biệt có sự tham gia của Phòng Tài chính - Kế hoạch trong tham mưu điều hành cân đối ngân sách để đảm bảo các nguồn chi theo quyết định của UBND huyện. Địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó có hệ thống truyền thông các cơ quan, tuyên giáo, mặt trận, đoàn thể và đài truyền thanh. Ngành chuyên môn còn ban hành những quy trình, hồ sơ để người lao động dễ nhận biết và đơn giản hóa các thủ tục giúp người dân dễ tiếp cận thụ hưởng các chính sách này.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Châu Văn Ly, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg, đối với lao động tự do, sở nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân, một số địa phương và đã nhiều lần có văn bản trả lời, giải thích. Ngoài ra sở còn thông tin về nội dung Quyết định 1856/QĐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ trên cổng thông tin của Sở, Báo An Giang và đề nghị mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ. So với một số tỉnh, số lượng đối tượng hỗ trợ của An Giang khá nhiều. Theo dự kiến ban đầu thống kê có khoảng 52.400 lao động, khi rà soát lại, tổng số thực tế tăng hơn gấp 4,5 lần. Đây là con số khá lớn trong điều kiện ngân sách của tỉnh khó khăn. Tỉnh đang dồn sức cân đối tất cả các nguồn để hỗ trợ kịp thời.

Đối với ghi nhận phản ánh từ các địa phương có tiến độ còn chậm, do thời gian triển khai nghị quyết đồng thời thực hiện giãn cách xã hội, nhân lực cấp cơ sở tập trung phần lớn cho công tác chống dịch. Số lao động tự do còn lại chưa nhận hỗ trợ hiện nay chủ yếu là hộ nằm trong khu vực phong tỏa hoặc đang cách ly, điều trị tập trung. Số lượng này, Phòng LĐ-TB&XH tính phương án chuyển cho thân nhân nếu có sự đồng ý của người thụ hưởng để nhanh chóng kết thúc đợt chi trả, hoặc theo dõi sát tình hình để khi có điều kiện sẽ sớm trao cho người nhận.

Thời gian tới, các địa phương tăng cường trách nhiệm của UBND các xã, thị trấn và các ngành trong việc triển khai thực hiện các chính sách. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến. Việc tiếp nhận hồ sơ sẽ được khuyến khích chuyển sang trực tuyến qua dịch vụ công ích để giúp người dân hạn chế đi lại, đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận hồ sơ. Đồng thời, các địa phương tăng cường giám sát, nhất là giám sát của cộng đồng, hệ thống mặt trận, đoàn thể và các cơ quan chức năng giúp cho việc thực hiện chính sách đảm bảo đúng quy định.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn còn dài. Vì vậy, khẩn trương chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn là việc cấp thiết và nhân văn. Hiện nay, vẫn có tình trạng người dân chưa hiểu rõ các chính sách hỗ trợ. Do đó, cần phải giải thích cụ thể hơn trong quá trình triển khai chi trả, truyền thông rộng rãi để người được thụ hưởng lẫn người bên ngoài chế độ xét duyệt đều hiểu đúng và đồng tình với chủ trương này. Mặt khác, việc công khai, minh bạch, kịp thời, đúng quy định còn đảm bảo tránh xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách…

 

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích