An Giang hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp

01/05/2024 - 23:45

 - Để thúc đẩy tín dụng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024, một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) phục hồi.

Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Nỗ lực cung ứng vốn

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: “Năm 2024, định hướng vốn huy động tại địa phương tăng 10 - 12% trở lên, dư nợ cho vay tăng trên 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế. Hệ thống ngân hàng trong tỉnh tiếp tục đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh (SXKD), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

“Năm 2023, mặc dù nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn thấp, chúng tôi vẫn rất nỗ lực cung ứng vốn cho khách hàng, như: Thực hiện nhiều cơ chế miễn, giảm lãi với khách hàng gặp khó khăn, đơn giản hóa thủ tục, giải quyết hồ sơ kịp thời, nhanh chóng, nâng cao phong cách phục vụ...”- Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh An Giang Trần Văn Soul cho biết.

Với những nỗ lực trên, 6 tháng cuối năm 2023, chi nhánh tích cực tăng trưởng dư nợ, góp phần phát triển kinh tế địa phương trên 1.500 tỷ đồng, trong đó chú trọng nguồn vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Doanh số cho vay lũy kế trên 27.000 tỷ đồng, dư nợ trên 17.000 tỷ đồng (83% là dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn) và trên 1.800 tỷ đồng cho vay DN.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh An Giang Đoàn Thị Mỹ Lan, đơn vị thực hiện nhiều giải pháp tăng trưởng dư nợ cho vay. Kết quả năm 2023, tổng doanh số cho vay của chi nhánh 14.905 tỷ đồng, tăng 15,3% so năm trước, dư nợ cho vay đến ngày 31/12/2023 là 6.715 tỷ đồng, tăng gần 16% so đầu năm. Hai tháng đầu năm 2024, dư nợ cho vay tại chi nhánh tiếp tục tăng trưởng, doanh số cho vay 2.464 tỷ đồng, tăng 28% so cùng kỳ, dư nợ cho vay đến ngày 29/2/2024 là 6.869 tỷ đồng, tăng 2,9% so đầu năm và tăng 14,3% so cùng kỳ năm trước.

“Để đạt được kết quả tăng trưởng dư nợ trong điều kiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, VietinBank An Giang đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp: Bổ sung vốn kịp thời cho khách hàng có nhu cầu mở rộng SXKD với lãi suất ưu đãi; áp dụng lãi suất cho vay cạnh tranh... Năm 2023, chúng tôi phát triển được 157 khách hàng vay mới, dư nợ cho vay tăng thêm 157 tỷ đồng. Hai tháng đầu năm 2024, phát triển 69 khách hàng vay mới, dư nợ tăng thêm 55 tỷ đồng. Chi nhánh cũng giảm gần 90 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi cho khách hàng vay, chia sẻ khó khăn và khuyến khích khách hàng tăng nhu cầu sử dụng vốn đưa vào SXKD” - bà Đoàn Thị Mỹ Lan thông tin.

Tiếp tục hỗ trợ tín dụng

Hiện, các tổ chức tín dụng tiếp tục “bơm vốn”, giảm lãi suất cho vay để đồng hành cùng DN thực hiện dự án, kế hoạch SXKD. Ông Trần Văn Soul cho biết thêm: “Năm 2024, Agribank An Giang tiếp tục triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi với khách hàng. Cụ thể như: Tín dụng lâm sản, thủy sản; tín dụng ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa; cho vay ưu đãi tài trợ dự án đầu tư dành cho khách hàng DN; cho vay đối với khách hàng đầu tư, SXKD gắn với sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); cho vay tiêu dùng... Trong quý I/2024 chi nhánh phân công cán bộ tiếp cận giới thiệu, triển khai các gói hỗ trợ lãi suất đến khách hàng. Kết quả, đến cuối tháng 3, tăng trưởng được 82 tỷ đồng”.

Hiện nay, khách hàng chưa có nhu cầu về vốn để mở rộng SXKD, mặc dù đã ký hợp đồng hạn mức ngân hàng (tổng hạn mức trên 1.400 tỷ đồng, với hơn 2.000 khách hàng). Ngân hàng Agribank An Giang nhận định, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ tốt hơn vào những tháng cuối năm. Khả năng trong năm 2024, đơn vị tăng trưởng tín dụng trên 1.000 tỷ đồng. Đơn vị sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng, cắt giảm chi phí không cần thiết. Đồng thời, tiếp cận khách hàng, giải quyết nhanh hồ sơ vay vốn, thay đổi phong cách phục vụ, đơn giản hóa thủ tục…

Tương tự, VietinBank An Giang cũng lạc quan khi sang năm 2024, nền kinh tế cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng có nhiều khởi sắc. Giá lúa gạo ở mức cao, tiêu thụ hàng thủy sản đang tăng dần trở lại, kim ngạch xuất khẩu trái cây tăng trưởng tốt, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng cao. Cùng với mặt bằng lãi suất liên tục giảm và đang ở mức rất thấp, kích thích nhu cầu tín dụng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc tăng trưởng tín dụng: Giá bất động sản giảm nhiều, từ đó việc định giá bất động sản cũng bị giảm, làm ảnh hưởng mức cấp tín dụng cho khách hàng; nợ xấu có dấu hiệu gia tăng từ cuối năm 2023 đến nay, dự báo tiếp tục tăng trong năm 2024. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị, các ngân hàng tiếp tục vượt khó, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: Quý I/2024, tổng số dư huy động vốn tăng 0,3% so cuối năm 2023, đạt 69.574 tỷ đồng. Dư nợ tăng trưởng tín dụng đến cuối quý I/2024 tăng 1,45%, đạt 114.152 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng pháp nhân 28.195 tỷ đồng, với 1.477 hồ sơ tín dụng; dư nợ cho vay khách hàng thể nhân 85.957 tỷ đồng, với 299.335 hồ sơ tín dụng. Dòng chảy tín dụng tập trung vào lĩnh vực SXKD là động lực tăng trưởng kinh tế.

HẠNH CHÂU