Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Tôn đã thể hiện và xứng đáng là người con ưu tú của Tổ quốc, người yêu nước vĩ đại, người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết dân tộc, người lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản quốc tế chân chính, một nhân cách lớn. Chính Bác là người công nhân đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, là người Việt Nam đầu tiên được Ủy ban giải thưởng hòa bình quốc tế Lênin của Liên Xô tặng giải thưởng Lênin Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc và nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô đã tặng Bác Tôn Huân chương Lênin - Huân chương cao quý nhất của nhà nước Liên Xô.
Dù nay Bác Tôn đã đi xa về với “thế giới người hiền”, nhưng hình ảnh của Bác vẫn khắc sâu trong tâm trí đồng bào, đồng chí cả nước và nhân dân An Giang, giọng nói ấm áp, mộc mạc, chan chứa ân tình; phong cách công nhân khiêm tốn giản dị và ước nguyện về một quê hương An Giang giàu đẹp đã và đang được các lớp con cháu không ngừng phấn đấu thực hiện. Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2021), chúng ta cùng nhau tưởng nhớ công ơn của Bác Tôn, qua đó học tập và làm theo những phẩm chất đã tạo nên chất Người Tôn Đức Thắng.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh viếng, dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Thứ nhất, chúng ta thấy rất rõ ở Bác một tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Tư duy này được hình thành từ thời niên thiếu, xuất thân trong một gia đình trung nông, cộng với tư chất thông minh nên có điều kiện học tập để trở thành thầy Thông, thầy Ký ở xã hội đương thời... Nhưng Bác không chọn con đường này. Sinh ra, lớn lên trong giai đoạn thực dân Pháp đã xâm lược nước ta, khắp từ Nam chí Bắc, các chí sĩ yêu nước và nhân dân nổi lên chống thực dân Pháp, các cuộc khởi nghĩa này đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của Bác Tôn. Mặc dù rất kính trọng những lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa (như Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Phan Tam, Phan Ngũ, Lê Công Thành, Nguyễn Hữu Huân...). Song, Bác Tôn không đi theo con đường của họ, mà tự chọn con đường riêng của mình, đó là đến Sài Gòn học nghề. Có thể nói, đây là sự lựa chọn đầy khó khăn, tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời của Bác, tìm hướng đi mới để cứu dân, cứu nước. Cũng từ đây Bác Tôn mang hành trang yêu nước đến với phong trào công nhân, đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành người cộng sản.
Trong cuộc đời hoạt động, Bác Tôn trải qua nhiều cương vị, giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng trong Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc... Trước muôn vàn khó khăn, gian khổ, ở những thời điểm vô cùng ác liệt của phong trào cách mạng và những nguy nan cận kề, nhưng với sự linh hoạt, sáng tạo, nhiệm vụ nào Bác cũng xuất sắc vượt qua. Đề cập đến nguyên nhân thắng lợi ngày 30-4-1975, Bác Tôn viết: "Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ..." và chính Bác Tôn là một trong những lãnh đạo điển hình cho tư duy này.
Học tập tư tưởng, đạo đức Bác Tôn, các cấp ủy Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân phải chấp hành nghiêm các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tránh giáo điều, rập khuôn, máy móc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn, chủ động trong công tác, vươn lên làm chủ hoàn cảnh như sinh thời Bác Hồ từng trải nghiệm “Dĩ bất biến, Ứng vạn biến”
Thứ hai, học Bác Tôn là học tầm cao trí tuệ. Với tư chất thông minh. Ngay từ khi làm thợ học việc, Bác Tôn đã nhận thức rõ bản chất bóc lột dã man, đầy rẫy bất công của chế độ thực dân, phong kiến, từ đó Bác đã vận động các tầng lớp học sinh, lính thủy bỏ học, phản đối chế độ lao động quá sức, đói khổ, chống bắt lính, đánh đập, cúp phạt, yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm việc... Điều này, không phải ai cũng nhận thức đầy đủ và kêu gọi mọi người hưởng ứng. Quyết định rời quê hương lên Sài Gòn đến với giai cấp công nhân đang hình thành, thể hiện rõ tiến bộ về nhận thức, Bác đã thấy được vai trò của công nhân - một lực lượng tiên tiến có khả năng lãnh đạo giải phóng dân tộc. Hành động kéo cờ phản chiến trên chiến hạm France, ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng, Bác đã nhận thức được chủ nghĩa đế quốc, thực dân là lực lượng phản tiến bộ, nhận thức được xu thế phát triển của thời đại.
Với nhiều hoạt động tích cực trong phong trào công nhân và từ tìm tòi nghiên cứu, Bác Tôn đã trở thành lớp người đầu tiên của Việt Nam đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Không những thế, Bác còn tích cực truyền bá lý tưởng cộng sản và tinh thần yêu nước cho nhiều người. Trong Hồi ký của mình, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết: "Thấy chúng tôi còn trẻ mà đã giác ngộ cách mạng thì Bác rất thương. Bác bắt đầu giáo dục cho tôi và hai người bạn hiểu thế nào là cách mạng, thế nào là chủ nghĩa cộng sản. Bác rất hiền. Bác không những thương chúng tôi mà còn thương các bạn tù khác, kể cả tù thường phạm. Khi họ đi làm về, sau bữa ăn, bị nhốt ở sam thì Bác thường gần gũi họ, giảng giải cho họ những điều sơ đẳng nhất về chủ nghĩa cộng sản, về lòng yêu nước và động viên họ phải can đảm lên, cố chịu đựng rồi khi ra tù sẽ tiếp tục làm cách mạng".
Dù phải đối diện với hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, nhưng Bác luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ do Đảng, nhà nước và nhân dân giao, thể thiện tầm cao trí tuệ, linh hoạt, sáng tạo trong mọi thời điểm khó khăn, thử thách. Trong Điếu văn truy điệu Bác Tôn, có đoạn viết: "Bất kỳ ở cương vị công tác nào, mặc dù tuổi cao, đồng chí luôn luôn phấn đấu quên mình để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho".
Học tập đạo đức của Bác Tôn, chúng ta phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới và hội nhập sâu rộng với thế giới, với nhiều vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, phải vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Thường xuyên nghiên cứu, học tập trao dồi lý luận, nắm vững lý luận để bảo vệ sự trong sáng của Chủ nghĩa Mác – Lênin, chống lại các quan điểm xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận vai trò của Chủ nghĩa Mác – Lênin, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Thứ ba, yêu nước, thương dân, một lòng, một dạ hy sinh vì nước, vì dân là phẩm chất cao đẹp của Bác Tôn. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, được truyền thụ chủ nghĩa yêu nước, tận mắt chứng kiến cảnh áp bức, bất công, tàn nhẫn của chế độ thực dân, phong kiến, trong Bác Tôn đã hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân và càng được hung đúc khi Bác là thủ lĩnh của các phong trào yêu nước, phong trào công nhân ở Sài Gòn, ở nước Pháp,…
Trong bài viết đăng trên báo "Người thủy thủ Xô Viết", Bác Tôn viết: "Từ ngày đó tôi bắt đầu cuộc sống của tôi trên biển cả, với lòng yêu quê hương tha thiết và với nguyện vọng học tập để sau này về đấu tranh mạnh mẽ hơn" và "Tôi tin rằng bất kỳ người Việt Nam yêu nước nào, nhất là công nhân, được tham gia vào những giờ phút lịch sử đó tại Biển Đen, không thể hành động khác tôi, bởi vì yêu Tổ quốc và căm thù đế quốc, cũng có nghĩa là yêu Cách mạng Tháng Mười và căm thù những kẻ chống lại Cách mạng Tháng Mười". Bác Tôn khẳng định: "Ánh sáng rực rỡ và ảnh hưởng mạnh mẽ của Cách mạng Tháng Mười đối với nhân dân các nước đã đem lại cho tôi một niềm tin và đã chỉ ra con đường giải phóng đất nước tôi".
Từ người thợ, người thủ lĩnh phong trào công nhân đến khi trở thành Chủ tịch nước, Bác Tôn luôn nhân ái, nghĩa tình, yêu thương mọi người. Bác căn dặn: "Phải cho dân yêu, dân tin, dân trọng. Vì có được dân yêu, dân tin, dân trọng thì công cuộc gì cũng thành công".
Học tập tinh thần yêu quê hương, yêu đất nước, trọng dân, thương dân của Bác, chúng ta phải luôn tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực sự trọng dân, gần gũi với nhân dân; làm cho đất nước giàu mạnh, mỗi người dân được ấm no, hạnh phúc. Kiên quyết đấu tranh, chống bệnh quan liêu, vi phạm dân chủ; quyết tâm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại nhà sàn thời niên thiếu của Bác Tôn
Thứ tư, Bác Tôn là một tấm gương tiêu biểu của sự kiên cường, bất khuất, tuyệt đối trung thành, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị.
Bác Tôn ít viết, ít nói về đạo đức cách mạng. Nhưng hành động tiên phong, mẫu mực của Bác đã thể hiện đầy đủ tinh thần đạo đức cách mạng, được toàn Đảng, toàn dân và bạn bè thế giới thừa nhận.
Bác Tôn tham gia phong trào yêu nước, phong trào công nhân không chút nao núng khi còn rất trẻ. Mặc dù bị tù đày khổ sai, luôn đối diện với đòn roi, đói khát và cả cái chết, Bác vẫn giữ vững khí tiết, kiên cường, không bị khuất phục. Vừa thoát khỏi nhà tù thực dân, Bác nhanh chóng tham gia chống thực dân Pháp. Suốt 35 năm giữ những cương vị quan trọng trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc..., Bác Tôn luôn tận tâm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn trung thành với mục tiêu, con đường cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
Yêu lao động, liêm khiết, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, "Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ" là những đức tính vô cùng quý báu của Bác Tôn. Trên cương vị Chủ tịch nước, Bác luôn sắp xếp công việc khoa học, tôn trọng kỷ luật để mang lại hiệu quả cao nhất. Những đồng chí từng bị giam cầm và làm việc với Bác Tôn đều có chung một nhận xét: phong cách của Bác không hề biến đổi, vẫn là những đức tính của người công nhân, phong cách công nhân giản dị, chân thành, trong sáng, gần gũi, hòa đồng với mọi người. Bác Tôn thích ăn những món ăn dân dã quê nhà, mặc như người bình thường khác, không thích lối sống sang trọng, xa hoa. Khiêm tốn, giản dị đã trở thành nếp sống, phong cách sống, thể hiện trong tất cả các mối quan hệ, trong mọi hoạt động, giao tiếp và ứng xử hàng ngày của Bác.
Tại lễ mừng thọ Bác Tôn tròn 70 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân".
Trong Điếu văn truy điệu Bác Tôn có đoạn viết: "Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy, về tinh thần anh dũng, bất khuất về đức tính khiêm tốn, giản dị. Toàn thể đồng chí và đồng bào chúng ta rất tự hào về sự nghiệp và đạo đức cách mạng của Đồng chí. Chúng ta quyết mãi mãi noi gương cao cả của Đồng chí để khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng".
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Tôn, chúng ta phải tích cực hăng say lao động, sản xuất, công tác; phải luôn suy nghĩ cách làm hay, sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Chống bệnh chây lười, làm việc qua loa, đại khái. Chống thói háo danh, tham chức, tham quyền, cơ hội, thực dụng, tư lợi, chủ nghĩa cá nhân. Phải tận tâm, tận lực phục vụ Đảng, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang ghi cảm tưởng tại Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Thứ năm, Bác Tôn là người thực hành tiêu biểu chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, của Bác Hồ, là chiến sĩ cộng sản quốc tế.
Bác Tôn là biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc ta. Với 27 năm giữ những nhiệm vụ: Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 10 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Người đã để lại cho Đảng và nhân dân ta những kinh nghiệm quý báu, những bài học sâu sắc về đại đoàn kết dân tộc. Đảng ta khẳng định: "Đồng chí là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Theo Bác Tôn, muốn đoàn kết thực sự, chắc chắn thì các giai tầng, các lực lượng phải hướng tới mục tiêu chung, đó là: "Đoàn kết, nhất trí giành độc lập cho Tổ quốc, dân chủ cho Nhân dân và hòa bình cho thế giới". Người chỉ rõ muốn đại đoàn kết toàn dân tộc, thì trước nhất trong Đảng phải thực sự là khối đoàn kết thống nhất, làm hạt nhân lãnh đạo khối đoàn kết dân tộc. Trong lời phát biểu tại Hội nghị cán bộ dân vận Trung ương ngày 15-2-1949, Bác nói: "Có đoàn kết nội bộ thì việc thi hành phương châm chính sách mới thống nhất nhịp nhàng. Kinh nghiệm cho ta biết sở dĩ có những thành tích vẻ vang nhất là nhờ có sự đoàn kết nội bộ chặt chẽ" và "Đảng ta cần liên hệ tốt với quần chúng, cần phải đoàn kết chung quanh Đảng, các giai cấp, các tầng lớp nhân dân cách mạng hiểu rõ chỉ có tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng và đoàn kết chung quanh Đảng, mới giành được thắng lợi". Đoàn kết dân tộc phải dựa trên nền tảng khối liên minh công-nông "Cần phải luôn luôn tăng cường liên minh công-nông, dựa vào lực lượng công-nông để tranh thủ các tầng lớp nhân dân khác, nếu không như thế thì việc tranh thủ các tầng lớp trên sẽ gặp khó khăn; hoặc có tranh thủ được, Mặt trận cũng không có cơ sở vững chắc".
Đoàn kết dân tộc còn phải huy động sức mạnh của nhân dân ta ở nước ngoài và sự ủng hộ của người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Trong lời Hiệu triệu của Ban Thường trực Quốc hội nhân dịp kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến, Bác nói: "Các kiều bào hải ngoại lần này cũng phải tích cực hoạt động tìm đủ cách tuyên truyền cuộc chiến tranh chính nghĩa của ta, gây thiện cảm với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và đánh tan những luận điệu của bọn phản động quốc tế mong lừa bịp dư luận hoàn cầu để đè nén, bóc lột các dân tộc nhược tiểu. Ở tiền tuyến, ở hậu phương, ở trong nước, ở ngoài nước, già trẻ, gái, trai không kể tôn giáo gì, đều phải thi đua bằng mọi cách để giết giặc cứu nước, để giải phóng cho dân tộc và góp phần vào sự nghiệp xây dựng hòa bình chung của thế giới".
Ở Bác Tôn, tinh thần yêu Tổ quốc, yêu nhân dân gắn liền với tình cảm quốc tế trong sáng, thủy chung. Xuất phát từ tình yêu thương con người, yêu thương những người bị áp bức bóc lột, yêu dân tộc mình, đồng thời tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước khác. Bác coi sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của các nước cũng như của dân tộc mình. Bác Tôn là một trong những người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, Cách mạng Trung Quốc. Với những cống hiến vô cùng to lớn đối với cách mạng thế giới, Bác Tôn vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Tôn, chúng ta quyết tâm xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Huy động sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp nhân dân để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong các cấp ủy đảng, xây dựng các tổ chức cơ sở đảng “Trong sạch – vững mạnh”, làm hạt nhân để xây dựng khối đoàn kết toàn dân, kết hợp với sức mạnh của thời đại, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
(còn tiếp)
*TS. Lê Hồng Quang,
Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang