Cụ thể, đối với nguồn lực con người, tỉnh đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao tập trung vào những lĩnh vực chế biến sâu (nông, thủy sản, chế tạo máy, tự động hóa, công nghệ thông tin); xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH và hội nhập quốc tế.
Đầu tư phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở đào tạo tại chỗ và thu hút những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước về tỉnh làm việc. Thu hút và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực quan trọng (trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, du lịch, khoa học - kỹ thuật).
Thời gian qua, tỉnh triển khai thực hiện khá tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo điều kiện hỗ trợ giới thiệu, cung ứng lao động theo yêu cầu doanh nghiệp (DN). Năm 2021, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề 13.225 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo 66,58%.
Trong đó, hỗ trợ hơn 5,4 tỷ đồng đào tạo nghề trên 4.700 người; đào tạo nghề trình độ ngắn hạn theo đơn đặt hàng 2 DN, 105 học viên, kinh phí hỗ trợ 126 triệu đồng; hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng cho 238 lao động; đã giải quyết việc làm 27.162 lao động, góp phần giữ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4%. Ngoài ra, có 117 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, đối với nguồn lực cơ sở hạ tầng, KTXH, tỉnh đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH trên cơ sở tăng cường năng lực phân tích, đánh giá, dự báo trên các lĩnh vực; đẩy lùi tham nhũng, góp phần củng cố lòng tin của nhà đầu tư, DN và toàn xã hội.
Đồng thời, nâng cao năng lực kiến tạo, năng lực tự chủ, đổi mới, sáng tạo của các DN. Cùng với đó, tái cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ trên tất cả các ngành, lĩnh vực.
Tỉnh sử dụng nguồn lực tài nguyên thiên nhiên hiệu quả trong phát triển KTXH, thể hiện qua cơ chế chính sách của nhà nước đối với người dân. Tập trung nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và có thị trường tiêu thụ ổn định; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các ngành, lĩnh vực để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với biến đổi khí hậu, phát triển các sản phẩm có lợi thế so sánh của tỉnh. Việc khai thác khoáng sản được kiểm soát chặt chẽ về trữ lượng đáp ứng yêu cầu đầu tư trước mắt và lâu dài.
Với lợi thế nguồn tài nguyên đất đai tự nhiên của tỉnh 353.683ha, tỉnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn đô thị hóa, mở rộng các khu đô thị, các khu công nghiệp, thương mại. Chuyển từ đất trồng lúa năng suất thấp sang các loại đất nông nghiệp khác, như: Nuôi trồng thủy sản; trồng rau, màu công nghệ cao...
Lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện cho giai đoạn 10 năm (2020-2030), để tích hợp Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Tài nguyên khoáng sản cũng được khai thác hợp lý, như: Đất sét gạch ngói đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ các nhà máy gạch; cát xây dựng - cát san lấp; đá xây dựng...
Với nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, tỉnh có 3 kiểu hệ sinh thái tự nhiên đặc trưng, gồm: Rừng, rừng tràm, đất ngập nước, với gần 1.000 loài thực vật, gần 420 loài động vật. Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang đang bảo tồn, lưu giữ 18 loài thực vật có giá trị của khu vực Bảy Núi bằng phương pháp nuôi cấy tế bào với khoảng 2.000 cây giống các loại; cùng với bảo tồn, phát triển giống và nguồn gen một số loại rau, hoa kiểng, dược liệu quý và một số loài cá bản địa quý hiếm... được ứng dụng, khai thác tạo giá trị kinh tế cao.
Về hạ tầng KTXH, tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ dài 5.616km, hình thành một mạng lưới giao thông liên hoàn, có khả năng kết nối giao thông thủy - bộ và liên kết với hệ thống giao thông các tỉnh, thành phố lân cận. Cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng cải thiện, hạ tầng giao thông phục vụ du lịch và công nghiệp được nâng cấp, hoàn thiện, góp phần tăng trưởng ngành du lịch, góp phần to lớn phát triển KTXH của tỉnh.
Theo UBND tỉnh, hạ tầng thủy lợi được khai thác triệt để với 10.964 công trình thủy lợi toàn tỉnh, góp phần kiểm soát lũ, bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân. Hạ tầng cung cấp điện hoàn chỉnh với mạng lưới truyền tải (220kV, 110kV), đảm bảo đủ nguồn điện đáp ứng sản xuất - kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng. Lưới điện quốc gia đã kéo đến các trung tâm hành chính 156/156 xã, phường, thị trấn. Hạ tầng bưu chính, viễn thông, internet phát triển mạnh với 31 DN bưu chính, 9 DN viễn thông, 115 điểm Bưu điện văn hóa xã. Tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G, internet cáp quang tốc độ cao, internet di động băng rộng phủ sóng 100% xã, thị trấn trên toàn tỉnh.
Với lợi thế 5 khu công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 857ha, tỉnh đã xây dựng và phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật tại các khu công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu từng bước vững chắc và ngày càng đồng bộ. Các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, như: Trạm Kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Tịnh Biên, hạ tầng khu thương mại - dịch vụ Cửa khẩu Khánh Bình… góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu và thu hút các nguồn vốn đầu tư.
HẠNH CHÂU