An Giang: Kết nối phát triển sản phẩm OCOP

19/05/2023 - 04:48

 - Để được cấp chứng nhận OCOP cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm phải trải qua quy trình kiểm tra, đánh giá chất lượng theo quy định. Khi được gắn logo OCOP, sản phẩm hiển nhiên trở thành món quà quê “uy tín”. Liên kết tốt trong xúc tiến thị trường sẽ tạo điều kiện thúc đẩy chương trình OCOP phát triển.

Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm

Sau khi trà xạ đen túi lọc Thảo An Khang và trà xạ đen Thảo An Khang đạt chứng nhận OCOP 3 sao, Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) thử sức với sản phẩm mới: Nước uống đóng lon, thành phần xạ đen cùng một số loại thực phẩm, dược liệu có tác dụng thanh mát cơ thể. Nhờ tham gia vào Hội Doanh nhân trẻ An Giang, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang Quách Yến Phượng có điều kiện xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua cộng đồng doanh nhân trẻ.

Nếu như sản phẩm trà xạ đen túi lọc và đóng gói có thị trường tiêu thụ khá ổn định, thuận tiện bán hàng, giao hàng toàn quốc thông qua kênh thương mại điện tử (Shopee, TiKi, sàn ocop.angiang.gov.vn, vicosap.vn…) thì nước uống đóng lon được tiêu thụ tốt thông qua cửa hàng của doanh nghiệp trong tỉnh. Những lon nước mát lạnh đáp ứng nhu cầu giải khát mùa nắng nóng.

Xây dựng sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị đặc sản địa phương

Với Công ty Cổ phần Palmania (thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn), sau khi sản phẩm đường thốt nốt sệt Palmania được cấp chứng nhận OCOP 4 sao, công tác xúc tiến thị trường được huyện Tri Tôn hỗ trợ, cùng nỗ lực của doanh nghiệp.

Giám đốc Công ty Cổ phần Palmania Chau Ngọc Dịu cho biết, khi cùng 2 người bạn lập nên Palmania, chị mong muốn vực dậy sản phẩm đường thốt nốt sệt (được sản xuất theo phương thức thủ công truyền thống của người Khmer vùng Bảy Núi), chất lượng cao, tiêu chuẩn nguyên chất, sạch. Đường thốt nốt sệt và đường thốt nốt bột Palmania giữ được trọn vẹn hương thơm, vị ngon đặc trưng và đặc tính quý giá của đường thốt nốt, được thị trường đón nhận rộng rãi.

Với địa phương đang đầu tư mạnh cho du lịch (DL) như huyện Tri Tôn, sản phẩm đặc trưng, như: Đường thốt nốt của Công ty Cổ phần Palmania (OCOP 4 sao), tinh dầu chúc và nước rửa tay hương chúc của Công ty TNHH Yến Hương Vina (sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021), gần đây là mật nho, rượu nho, rượu gạo, rượu đinh lăng, xoài Bến Bà Chi, chuối xuất khẩu… được tạo điều kiện trưng bày, quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài tỉnh.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, huyện đang xây dựng nhà trưng bày OCOP, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, phát triển thêm sản phẩm OCOP, như: Nhãn Idor, gạo colagen nấm mối đen, gạo lúa mùa nổi, bánh phồng mì, chuối xiêm sấy dẻo...

Liên kết thị trường

Tại Kế hoạch 363/KH-UBND của UBND tỉnh, ngày 15/5/2023 về thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2023, cùng với hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm nay, tỉnh còn quyết tâm hoàn thiện quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2025; cụ thể cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP, nhằm phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương.

Đặc biệt là các đặc sản, sản phẩm làng nghề và dịch vụ DL cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, nhãn hiệu, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có thêm 40 - 50 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 10 sản phẩm OCOP từ 4 sao trở lên. Đồng thời, rà soát sản phẩm OCOP tham gia đánh giá, phân hạng lại sau khi hết 36 tháng; ít nhất 5 sản phẩm đề xuất đánh giá nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, chú trọng phát triển hình thức thương mại điện tử. Trong đó, tạo cầu nối, liên kết, quảng bá và xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế tiếp cận với kênh bán hàng, sàn giao dịch điện tử, trang thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) nhằm tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển dịch vụ DL gắn kết chặt chẽ trong chuỗi sản phẩm OCOP.

Tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sự kiện xúc tiến thương mại tại các vùng kinh tế trọng điểm trong nước, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường DL trọng điểm; tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với điểm bán lẻ, siêu thị, hệ thống phân phối... Đồng thời, lựa chọn 1 - 2 sản phẩm OCOP uy tín, đầy đủ thủ tục (mã vùng trồng, đạt tiêu chuẩn quốc tế…) xúc tiến thị trường ngoài nước, hướng tới xuất khẩu.

An Giang phối hợp xây dựng, tham gia hệ thống trưng bày sản phẩm OCOP của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và một số tỉnh, thành phố lớn. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng của tỉnh An Giang gắn với khai thác lợi thế về DL nông thôn; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP thông qua combo quà tặng, quà biếu.

NGÔ CHUẨN