An Giang kiên quyết kiểm soát dịch bệnh

22/06/2022 - 05:08

 - Bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát và diễn biến rất phức tạp. Cùng với bệnh tay-chân-miệng có dấu hiệu tăng, dịch bệnh COVID-19 mặc dù được kiểm soát nhưng nguy cơ lây lan rất cao, cần nâng cao ý thức phòng bệnh, tránh “dịch chồng dịch”…

Khám và điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang

Chị Nguyễn Thị Mỹ D. (ngụ TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, 3 ngày trước, thấy con trai 4 tuổi chán ăn, có biểu hiện sốt, miệng nổi vài mụn nước nhỏ, chị đưa con đi khám ở phòng mạch, bác sĩ chẩn đoán bệnh tay-chân-miệng, cho thuốc 2 ngày không khỏi, chị quyết định đưa con nhập viện luôn.

Theo Giám đốc Sở Y tế An Giang Trần Quang Hiền, dịch bệnh SXH Dengue và tay-chân-miệng đang tăng và diễn biến phức tạp. Đối với SXH, An Giang phát hiện 1.311 ổ dịch ở 143/156 xã, phường, thị trấn, đã xử lý 100% ổ dịch; ghi nhận 4.457 ca, tăng 387% so cùng kỳ 2021 và tăng 251% so trung bình 5 năm (2016-2020). Đối với bệnh tay-chân-miệng, ghi nhận 424 ca, giảm 72% so cùng kỳ 2021, không có tử vong, nhưng bệnh có hướng tăng. Từ đầu năm đến nay, số ca mắc COVID-19 giảm nhiều, số ca mắc rất thấp (từ 0-2 ca/ngày).

Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương cho biết, do địa bàn An Phú trước đây chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên huyện luôn chủ động công tác phòng, chống để tránh “dịch chồng dịch”. Huyện An Phú hiện ghi nhận từ 4-11 ca bệnh SXH/tuần.

“Nếu địa bàn nào xuất hiện ổ dịch sẽ cử lực lượng của Trung tâm Y tế huyện hỗ trợ chuyên môn. Khó khăn là năm nay mùa mưa sớm, một số người dân chưa quan tâm đúng mức vệ sinh xung quanh nhà, làm sạch các vật chứa nước, phương tiện xuồng, ghe khai thác thủy sản... UBND huyện đã triệu tập lãnh đạo các phòng chuyên môn và các xã, thị trấn để triển khai công tác phòng, chống dịch, không để bị động” - ông Phương nói.

Theo dự báo của các chuyên gia y tế, năm nay, bệnh SXH, tay-chân-miệng, tiêu chảy… có thể bùng phát thành dịch, đỉnh dịch rơi vào tuần thứ 25, 26 của năm (từ ngày 20/6 đến 3/7). Mặt khác, bệnh tay-chân-miệng các tuần gần đây đã vượt ngưỡng dự báo dịch hàng tuần, đồng thời các tỉnh lân cận cũng đang báo động số ca mắc tăng từ tháng 5/2022 đến nay.

“Nếu nhà nào cũng diệt lăng quăng nhưng chỉ cần 1-2 nhà không diệt lăng quăng thì cũng dễ bùng phát dịch. Muốn chống SXH phải làm rất nhiều công việc liên hoàn nhau, chỉ một khâu nào không tốt sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung. Chúng ta phải chắt chiu chất lượng từng hoạt động, triển khai đồng loạt để phòng, chống dịch hiệu quả” - Phó Giám đốc Sở Y tế Phan Vân Điền Phương nhấn mạnh.

Trước tình hình khí hậu thời tiết nóng ẩm, cùng với việc giao lưu đi lại gia tăng là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh tiếp tục gia tăng, bùng phát, đặc biệt là các bệnh: SXH, tay-chân-miệng, viêm não do virus, viêm não Nhật Bản... Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp. Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.

Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch, như: Triển khai chiến dịch vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn nguy cơ cao, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ, trường học, nhà trẻ mầm non; giám sát chặt chẽ, xử lý ổ dịch kịp thời, cấp cứu điều trị người bệnh. Đối với các dịch bệnh có vaccine phòng bệnh như sởi, rubella, bạch hầu, ho gà... các địa phương tăng cường chỉ đạo tổ chức triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng bổ sung và tiêm vét, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 90% và sử dụng hiệu quả nguồn vaccine.

“Sở Y tế sớm có hướng dẫn cụ thể về phòng, chống và có phác đồ điều trị; chủ động dự báo, đảm bảo thuốc, vật tư y tế phục vụ điều trị. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng, dịch chồng dịch. Tập trung triển khai công tác tiêm chủng, tổ chức tốt việc phân tuyến, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh giữa bệnh tay-chân-miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác, hạn chế thấp nhất tử vong”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nói.

Ngành y tế khuyến cáo biện pháp phòng bệnh tay-chân-miệng như: Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch, thực hiện ăn chín, uống sôi; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay; thường xuyên lau sạch, khử trùng các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ…

HỮU HUYNH