Lãnh đạo tỉnh lắng nghe doanh nghiệp để kiến tạo, thu hút đầu tư
Với tuyến biên giới giáp Campuchia gần 100km, An Giang được quy hoạch thành 3 khu vực kinh tế cửa khẩu, có tổng diện tích hơn 30.000ha, là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện, đã được quy hoạch một số phân khu chức năng phát triển thương mại - dịch vụ logistics và sản xuất công nghiệp, sẵn sàng để các nhà đầu tư đến tìm hiểu cách vận hành, lợi ích khi khai thác các giá trị đầu tư công. Và Khu Kinh tế cửa khẩu An Giang là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu quan trọng ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho biết: “Để nơi đây trở thành trung tâm đầu mối, giao lưu, hợp tác quốc tế quan trọng của vùng ĐBSCL, khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, An Giang coi trọng các mối quan hệ hợp tác với các tỉnh có chung tuyến biên giới giáp Campuchia, để có tiếng nói chung, hợp tác trên nhiều lĩnh vực cùng TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh trong vùng và cả nước, để biến tiềm năng thành nguồn lực thực tế, thúc đẩy tăng trưởng rõ nét, bao trùm”.
Có lợi thế, tiềm năng phát triển nông nghiệp theo định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, giảm phát thải, An Giang đã và đang tích cực triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, gắn với phát thải thấp vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Tỉnh tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, huy động nguồn lực… để đến năm 2025 An Giang đạt 44.000ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, đạt 152.000ha vào năm 2030. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình hình cạnh tranh mới, việc định hướng trở thành trung tâm lúa gạo và thủy sản nước ngọt của vùng ĐBSCL, An Giang có các yếu tố thuận lợi, cơ hội để tăng trưởng bền vững vượt địa giới hành chính, thậm chí xuyên quốc gia. Bên cạnh đó, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo hướng kinh tế xanh, từ thủy sản, rau màu, cây ăn trái, cùng các nhóm sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học, như: Nấm ăn, dược liệu, thực phẩm có lợi cho sức khỏe, dinh dưỡng, chữa lành. Đến lương thực - thực phẩm chủ lực được chế biến tinh, theo chuỗi cung ứng khép kín, đồng bộ... hoàn toàn có khả năng thúc đẩy thương mại xuyên biên giới.
Các dự án đầu tư hạ tầng kết nối giao thông, việc triển khai quy hoạch đang định hình tư duy mở trong việc kết nối nguồn lực hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, công nghệ hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới. Đặc biệt, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với Cảng biển quốc tế Trần Đề (thuộc tỉnh Sóc Trăng), Tuyến Quốc lộ N1 và cầu Châu Đốc kết nối với tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang; các tuyến kết nối với Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Cửa khẩu Khánh Bình, liên thông với Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đến các khu, cụm công nghiệp, khu điểm du lịch (DL), khu đô thị, thương mại - dịch vụ, cảng sông và các vùng nguyên liệu...
An Giang đang tiếp tục phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo các tuyến đường đến các khu, điểm DL trọng điểm thông thoáng; khuyến khích đầu tư các bãi đỗ xe, bến tàu khách DL phục vụ khai thác loại hình DL đường thủy. Kêu gọi đầu tư xây dựng các dịch vụ DL sinh thái - nghỉ dưỡng tại các cồn, cù lao ven sông. Đặc biệt, mời gọi đầu tư phát triển loại hình, dịch vụ DL 3 - 5 sao tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và các cơ sơ lưu trú chất lượng từ 1 - 3 sao ở các địa phương. Mời gọi đầu tư tại các khu, điểm DL được quy hoạch, tập trung 4 khu trọng điểm: Khu DL quốc gia Núi Sam - Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (TP. Châu Đốc), Khu DL Núi Cấm - rừng tràm Trà Sư (TX. Tịnh Biên), Khu DL Mỹ Hòa Hưng - cồn Phó Ba (TP. Long Xuyên) và Khu di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê (huyện Thoại Sơn).
Tại hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang cuối tháng 11/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh: “Với phương châm “sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh”, An Giang luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, đồng thời cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để biến ý tưởng của nhà đầu tư và các mục tiêu trong quy hoạch tỉnh thành hiện thực”.
Nỗ lực hình thành và phát huy hệ sinh thái phát triển kinh tế xanh, tại TP. Hồ Chí Minh, An Giang đã kết nối thành công với hơn 10 nhà đầu tư chiến lược từng quan tâm và đã có nghiên cứu khảo sát, cũng như đã xây dựng các dự án thuộc các lĩnh vực: Phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu; công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm, các công nghiệp nhẹ; phát triển đô thị và nhà ở thương mại; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; thương mại - dịch vụ logistics - DL; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn. Đây là khởi đầu tốt đẹp cho hành trình kiến tạo của tỉnh.
Với nhiều tiềm năng lợi thế, chính quyền kiến tạo, không gian kết nối nguồn lực đang mở rộng, việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào An Giang, nhất là khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang và khu vực.
HẠNH CHÂU