An Giang nâng cao công tác bồi dưỡng học sinh giỏi

11/01/2023 - 05:51

 - Nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) An Giang quan tâm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT địa phương.

Khen thưởng học sinh tiêu biểu trong các kỳ thi, hội thi năm học 2021-2022

Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Trần Thị Ngọc Diễm nhận định: “Năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT đứng trước khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh COVID-19. Sau gần 6 tháng thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ khác nhau, mọi hoạt động của ngành từ đầu năm học 2021-2022 phải chuyển đổi trạng thái. Học kỳ I, hoạt động dạy - học chuyển sang dạy - học linh hoạt để thực hiện chủ trương “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, sự phấn đấu học tập, rèn luyện của học sinh, toàn ngành đoàn kết thực hiện "mục tiêu kép".

Theo đó, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh đạt 98,9%; tiếp tục duy trì xếp thứ hạng cao trong khu vực. Năm học 2021-2022, tỉnh có 1 học sinh tham dự cuộc thi khoa học - kỹ thuật quốc tế; 12 học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và trên 1.000 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Có thể thấy, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi từ lâu đã là mục tiêu giáo dục của ngành GD&ĐT và mục tiêu học tập của học sinh. Đây là động lực phấn đấu, là thách thức lớn của ngành lẫn học sinh. Toàn tỉnh có 99 giáo viên bồi dưỡng học sinh đoạt giải và 161 học sinh đoạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia năm học 2021-2022, là minh chứng cụ thể cho thấy chất lượng GD&ĐT học sinh giỏi An Giang ngày càng nâng lên.

Thi chọn học sinh giỏi các cấp nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục. Qua đó, phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cho địa phương, đất nước. Khâu đầu tiên trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là lựa chọn đội ngũ giáo viên. Bởi đây là người truyền lửa đam mê môn học, là người trao kiến thức, rèn kỹ năng cho học sinh.

Cô Phạm Thị Mai Thanh (giáo viên Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, TP. Long Xuyên) cho biết: “Lễ họp mặt tuyên dương giáo viên và học sinh tiêu biểu trong các kỳ thi, hội thi là nguồn động viên tinh thần to lớn để thầy và trò tiếp tục phấn đấu, trách nhiệm hơn trong giảng dạy, học tập để xứng đáng với những điều tốt đẹp mà bản thân nhận được. Học sinh do mình bồi dưỡng có được thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi, đội ngũ giáo viên chúng tôi rất tự hào, lấy đó làm động lực để tiếp tục cống hiến hết mình trong sự nghiệp “trồng người”!”.

Bồi dưỡng học sinh giỏi là công việc đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu, tự học, tự rèn luyện rất nhiều. Tùy vào từng bộ môn, sẽ có những phương pháp khác nhau. Trong quá trình bồi dưỡng, giáo viên tăng cường hướng dẫn học sinh tự tìm đọc tài liệu theo chuyên đề đã học. Bên cạnh đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, giáo viên thường xuyên tìm tòi tư liệu, nâng cao kiến thức để truyền đạt, bồi dưỡng học sinh.

Trần Minh Anh Thư (sinh viên khoa Y Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cựu học sinh chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Thủ Khoa Nghĩa, TP. Châu Đốc) không khỏi xúc động và tự hào vì được giáo dục, bồi dưỡng với tình yêu thương vô bờ bến của thầy cô. “Bao năm qua, tôi đã được thầy cô tận tình giảng dạy mới được thành quả hôm nay. Tôi hứa sẽ tiếp tục phát huy kiến thức đã được thầy cô truyền đạt ở môi trường mới, để xứng đáng với tình yêu thương của gia đình, nhà trường và thầy cô” - Anh Thư chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước biểu dương, ghi nhận thành tích mà học sinh, đội ngũ thầy cô tham gia bồi dưỡng học sinh đoạt giải cao các cuộc thi và toàn ngành GD&ĐT tỉnh nhà đạt được trong năm học qua, dù đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Đó là sự cố gắng rất lớn của toàn ngành giáo dục, của mỗi giáo viên và học sinh.

Để nâng cao chất lượng học sinh giỏi nói riêng và chất lượng GD&ĐT nói chung, ông Lê Văn Phước đề nghị tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT để học sinh phát triển toàn diện, có kiến thức và kỹ năng vững vàng; tiếp tục duy trì phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi; tăng cường đổi mới công tác quản lý trong dạy và học, nhất là trong thi cử và đánh giá chất lượng. Đồng thời, có cơ chế, chính sách biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với cán bộ quản lý, giáo viên có thành tích trong dạy học và bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, đặc biệt là kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia hàng năm.

PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích