An Giang nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương

03/07/2023 - 06:19

 - Không chỉ dừng lại ở đánh giá PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), từ năm 2020 đến nay, An Giang cải thiện năng lực cạnh tranh và tăng cường trách nhiệm, minh bạch, cải tổ thông qua triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (gọi tắt là DDCI), để đánh giá môi trường kinh doanh một cách sâu sắc hơn. Đây là bước đi mạnh mẽ và nỗ lực cải cách của tỉnh hướng tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện.

Vừa qua, UBND tỉnh công bố kết quả DDCI (Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương) tỉnh An Giang năm 2022. Kết quả xếp hạng DDCI cấp địa phương năm 2022: TX. Tân Châu đứng hạng nhất với 85,96 điểm, huyện Chợ Mới hạng nhì với 84,71 điểm, TP. Long Xuyên hạng 3 với 84,42 điểm, TP. Châu Đốc hạng 4 với 82,42 điểm, TX. Tịnh Biên hạng 5 với 81,08 điểm, huyện Phú Tân hạng 6 với 80,7 điểm, huyện An Phú hạng 7 với 80,7 điểm; thấp nhất là huyện Châu Phú 68,14 điểm. “Top 3” địa phương có nhiều cải cách là TX. Tịnh Biên tăng 13,44 điểm, TP. Long Xuyên tăng 12,94 điểm, TP. Châu Đốc tăng 10,03 điểm.

Kết quả xếp hạng DDCI cấp sở, ban, ngành năm 2022: Cục Thuế tỉnh đứng hạng nhất trong 23 đơn vị với 80,15 điểm, Cục Hải quan hạng nhì với 79,83 điểm, Sở Kế hoạch và Đầu tư hạng 3 với 79,70 điểm, Sở Thông tin và Truyền thông hạng 4 với 79,46 điểm. Sở Tài chính hạng 5 với 79,19 điểm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang hạng 6 với 78,88 điểm; thấp nhất là Sở Xây dựng 70,69 điểm. Có 4 đơn vị tăng điểm so năm 2020 là: Cục Thuế tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Cục Hải quan.

Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành tỉnh gồm 8 chỉ số thành phần: Gia nhập thị trường, hoạt động cấp phép và thực hiện thủ tục hành chính (TTHC); tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin; chi phí thực hiện TTHC và tuân thủ quy định pháp luật; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong của sở, ban, ngành; hoạt động hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; hiệu lực thiết chế. Đối với địa phương (cấp huyện) gồm 9 chỉ số thành phần; ngoài 8 chỉ số trên còn đòi hỏi tính năng động, tiên phong của chính quyền địa phương và tiếp cận đất đai.

DDCI An Giang năm 2022 đề cập tới những vấn đề về môi trường, sinh thái, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trong khảo sát; các vấn đề về xã hội, phát triển bền vững; phát triển trong thời kỳ công nghiệp 4.0, chuyển đổi số… Vượt khỏi cách tiếp cận truyền thống, DDCI đã đánh giá chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan, chính quyền địa phương từ các góc độ này.

Bằng cách đó, DDCI khuyến khích chính quyền tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các cấp huyện chú ý và quan tâm đúng mức về hoạt động quản lý, điều hành kinh tế tại An Giang, đảm bảo hài hòa các vấn đề về phát triển bao trùm, xã hội và môi trường trong quá trình phát triển kinh tế.

Để tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực về môi trường kinh doanh và cải thiện vị trí xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh, năm 2023, UBND tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch triển khai khảo sát DDCI. Việc khảo sát thực hiện trực tiếp tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và khảo sát bằng hình thức trực tuyến.

Qua đó, thúc đẩy cải thiện chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố; tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các cấp, ngành, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, qua thực hiện DDCI nhằm xây dựng hình ảnh thân thiện và cầu thị của chính quyền cấp tỉnh và địa phương, chuyển đổi từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, thi đua thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ. Quyết liệt cải cách để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN), tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

Tạo kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để DN tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền tỉnh An Giang. Căn cứ kết quả khảo sát để nhận diện, phát huy những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế trong công tác điều hành. Từ đó, nghiên cứu đưa ra các giải pháp phù hợp, thực tế và kịp thời, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) trong các năm tiếp theo.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu, phương pháp xây dựng hệ thống chỉ số và tiêu chí đánh giá DDCI được lựa chọn tương tự các chỉ số thành phần của PCI, trên cơ sở áp dụng linh hoạt và phù hợp tình hình thực tế tại An Giang. Việc điều tra, khảo sát lấy ý kiến phải được thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực về những vấn đề đang được DN quan tâm khi liên hệ giải quyết TTHC; phản ánh khách quan tình hình hoạt động cũng như những khó khăn, vướng mắc của DN.

Kết quả điều tra, khảo sát lấy ý kiến phải được tổng hợp, phân tích, đánh giá đầy đủ, khách quan, minh bạch; đồng thời là căn cứ để các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp thu ý kiến góp ý của DN. Từ đó, đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả; tiếp tục phát huy những mặt đã làm được và nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng điều hành của từng đơn vị.

HẠNH CHÂU