An Giang ngăn chặn “tín dụng đen”

18/03/2021 - 04:22

 - Khi rơi vào hoàn cảnh túng thiếu tiền bạc, nhiều người dân “nhắm mắt đưa chân” vay tiền nặng lãi, dù biết sẽ phải trả với mức phí “cắt cổ”. Ngoài ra, họ còn phải đối mặt với rất nhiều rắc rối, phiền phức, ảnh hưởng đến cuộc sống khi lỡ vướng “tín dụng đen”.

Ngày 2-3, Công an phường Mỹ Thới (TP. Long Xuyên, An Giang) tiếp nhận tin báo của chị Nguyễn Thị Ngọc B. (sinh năm 1984) về việc bị một nhóm thanh niên lạ mặt mang theo hung khí đến nhà đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản. Công an phường đã mời nhóm thanh niên trên về trụ sở làm việc, gồm: Dương Hoài Đủ (sinh năm 1995, ngụ huyện Châu Thành, An Giang), Nguyễn Thanh Tuyền (sinh năm 1994, ngụ huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), Lê Văn Tài (sinh năm 1985), Đỗ Đình Hoàng (sinh năm 1994), Thạch Thanh Dương (sinh năm 1992), Nguyễn Duy Khánh (sinh năm 2002, cùng ngụ TX. Bến Cát, Bình Dương). Sau khi kiểm tra nhanh, Tuyền dương tính với chất ma túy.

Theo thông tin ban đầu, hơn 1 tháng trước, Nguyễn Thị C. (sinh năm 2002, con gái chị B.) có mượn Hoàng 10 triệu đồng, thỏa thuận góp 500.000 đồng/ngày trong vòng 1 tháng, chị C. đồng ý. Khi góp được 14 ngày, chị nhờ Tuyền mượn Hoàng thêm 20 triệu đồng. Đến ngày 21-2, Tuyền, Hoàng và 4 người từ Bình Dương đến nhà đòi tổng cộng gốc lẫn lãi 50 triệu đồng. Chị C. xin giảm xuống còn 40 triệu đồng. Ngày 2-3, nhóm thanh niên trên đem hung khí đến đập phá nhà và lấy chiếc xe Vario trị giá 51 triệu đồng do chị C. đứng tên.

“Tín dụng đen” vẫn tồn tại, do một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh tín dụng chính thức đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền. Nhiều người đã sử dụng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn người cho vay và đi vay, dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi xảy ra ở nhiều địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả, tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao.

Về sau, nhiều loại hình cho vay, lừa đảo thông qua ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh (smartphone) đã xuất hiện. Đây là loại tội phạm có tổ chức, các đối tượng viết phần mềm ứng dụng có thể cài đặt trên điện thoại thông minh, người vay có thể tải app đó về điện thoại cá nhân và kết nối với các đối tượng để vay tiền, thủ tục rất đơn giản. Theo đó, người vay chỉ cần chọn số tiền cần vay, cung cấp số tài khoản ngân hàng nhận tiền vay. Sau đó, đối tượng gọi điện thoại xác minh, yêu cầu người vay cung cấp thông tin về chứng minh nhân dân, địa chỉ, số điện thoại của người thân (thường các app cho phép đối tượng truy cập vào danh bạ điện thoại mà người vay không hay biết).

Thủ tục hoàn tất, đối tượng chuyển tiền vào số tài khoản mà người vay cung cấp, định kỳ hàng tháng, hàng tuần ứng dụng sẽ tự trừ tiền lãi trực tiếp từ số tiền có trong tài khoản của người vay. Nếu tài khoản không còn tiền thì các đối tượng gọi điện thoại cho người vay để đòi nợ hoặc gọi điện thoại cho những người thân trong danh bạ điện thoại của người vay để gây áp lực, hăm dọa, ép buộc trả nợ.

Theo Công an tỉnh An Giang, để ngăn chặn “tín dụng đen” hoành hành, đơn vị tăng cường công tác phòng ngừa nghiệp vụ, quản lý nghiệp vụ các đối tượng băng, nhóm, hiện tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”: đòi nợ trái pháp luật, đe dọa, khủng bố tinh thần, gây rối trật tự công cộng... để tiến hành xác minh và áp dụng các biện pháp đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm để đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, trong đó có hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

Thực hiện nghiêm công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiên nghị khởi tố, nhất là tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, huy động vốn lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản, vỡ hụi... và tiến hành điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Phối hợp chặt chẽ với viện kiểm sát, tòa án trong điều tra truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, góp phần răn đe và phòng ngừa chung

Không chỉ vậy, rất cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị, trong đó chú trọng phối hợp các sở, ngành, đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung, nhiệm vụ trọng tâm Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; kế hoạch của Công an tỉnh An Giang tăng cường quyết liệt công tác tuyên truyền, đẩy công tác tấn công, trấn áp, xử lý đối với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. UBMTTQVN tỉnh, các đoàn thể, các cơ quan truyền thông tăng cường phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen”, nhất là loại hình cho vay lừa đảo qua ứng dụng trên điện thoại thông minh để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức và doanh nghiệp để họ không tham gia vào hoạt động này và tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm.

Theo Ðiều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền cho vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác... Theo Ðiều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong giao dịch dân sự, người nào mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.


K.H

 

Liên kết hữu ích