
Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Theo thông tin của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2025 có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 72,3%.
Đại diện Cục Thống kê cho biết, khu vực đầu tư nước ngoài đóng vai trò lớn trong kim ngạch xuất khẩu, các tập đoàn lớn tăng cường hoạt động, thúc đẩy xuất khẩu. Ngoài ra, Việt Nam đang tiếp tục hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP, RCEP…). Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp tăng cường thúc đẩy mở rộng thị trường, đàm phán kỹ thuật, đẩy mạnh logistics, hải quan điện tử, cải thiện thủ tục xuất khẩu đã đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian vừa qua.

Các mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD trong những tháng đầu năm 2025.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 12,15 tỷ USD).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2025, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 194,28 tỷ USD, chiếm 88,4%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 19,12 tỷ USD, chiếm 8,7%; nhóm hàng thủy sản đạt 5,11 tỷ USD, chiếm 2,3%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,32 tỷ USD, chiếm 0,6%.

Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2025.
Xuất khẩu tăng trưởng tốt là tín hiệu tích cực giúp ổn định kinh tế vĩ mô và giữ đà phục hồi.
Vừa qua, Việt Nam và Mỹ vừa đạt được một thỏa thuận thuế quan giúp giảm nguy cơ áp thuế 46% xuống còn 20% đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam và 40% đối với hàng trung chuyển, trong khi đó Việt Nam sẽ cắt giảm toàn bộ thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Mỹ xuống 0%.
Đây là tín hiệu tốt cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên theo số liệu cung cấp, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2025 giảm 0,3% so với tháng trước, chỉ đạt 39,49 tỷ USD.
Trong thời gian tới, Cục Thống kê khuyến cáo, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cần ưu tiên tái cấu trúc chiến lược theo hướng chủ động, bền vững và thích ứng nhanh.
Cục Thống kê cho rằng cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Khai thác hiệu quả, tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do FTA để gia tăng xuất khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Đông, Nam Á, Đông Âu, châu Phi... Khuyến khích doanh nghiệp phân tán chuỗi cung ứng; mở rộng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cần ưu tiên tái cấu trúc chiến lược theo hướng chủ động, bền vững và thích ứng nhanh. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Về nội dung tăng cường phòng vệ thương mại và năng lực pháp lý doanh nghiệp, theo Cục Thống kê, hướng dẫn doanh nghiệp làm việc với luật sư quốc tế, chuẩn bị hồ sơ phòng vệ thương mại. Xây dựng cơ sở dữ liệu cảnh báo sớm các thị trường tiềm ẩn rủi ro.
Về phía hoạt động tài chính-ngân hàng, việc điều hành tỷ giá, lãi suất ổn định và linh hoạt đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ xuất khẩu.
Theo Báo Nhân Dân