Khó tiếp cận tín dụng
Một số DN xuất khẩu gạo và thủy sản hiện rất khó tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất ngân hàng; nhiều DN có nhu cầu vay vốn nhưng không có tài sản đảm bảo... Theo Công ty Cổ phần Nam Việt, trong hoạt động xuất khẩu, thị trường Ai Cập, Nga và Ukraine vẫn còn gặp khó khăn vì ngoại tệ này vẫn còn hiếm, khách thường thanh toán chậm; thị trường Trung Đông rất lớn, nhưng gặp khó khăn về rào cản thương mại... nên đề nghị được kéo dài chính sách hỗ trợ lãi suất đến hết năm 2024.
Đối với Công ty TNHH MTV Thuốc lá An Giang, do không đủ điều kiện đáp ứng cho tài sản thế chấp, nên không thể tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng của ngân hàng. Hiệp hội DN An Giang có trên 300 DN, chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Việc tiếp cận vốn vay ngân hàng còn hạn chế, nên cần thành lập tổ tư vấn tín dụng hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời là ứng viên được chọn tham gia thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Công ty đã xây dựng và thành lập 14 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới gắn với vùng nguyên liệu gạo.
Ông Võ Văn Vang (Giám đốc vùng An Giang của Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) cho biết: “Hiện, nhu cầu vay vốn ngân hàng cho việc xây dựng các cánh đồng liên kết rất lớn. Như ngành lúa gạo, nhu cầu vay vốn của các DN tham gia chuỗi liên kết khoảng 20 - 25 triệu đồng/ha để ứng trước vật tư đầu vào cho nông dân, hợp tác xã và khoảng 15 triệu đồng/ha để thanh toán khi mua lúa hàng hóa”.
Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank) cũng tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời.
Giám đốc TPBank chi nhánh An Giang Trần Thị Lối chia sẻ: “Ngân hàng đã sát cánh cùng Tập đoàn Lộc Trời đầu tư vốn trong chuỗi giá trị lúa gạo, đã cấp hạn mức tín dụng cho Lộc Trời 6.000 tỷ đồng, bằng hình thức đảm bảo bằng dòng tiền xuất khẩu gạo và hợp đồng vùng nguyên liệu với nông dân”.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Trần Minh Chánh cho biết: “Đến cuối tháng 9/2023, cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 66.367 tỷ đồng, tăng 3,25% so cuối năm 2022, chiếm 62,65% tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó, cho vay phục vụ sản xuất, thu mua, xuất khẩu lúa gạo đạt 15.862 tỷ đồng, tăng 1,69% so cuối năm 2022; cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 13.695 tỷ đồng, tăng 4,98% so cuối năm 2022”.
Cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh An Giang (Agribank) là 183 tỷ đồng, với doanh số cho vay từ đầu chương trình là 790 tỷ đồng. Cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp 15,71 tỷ đồng, 95 khách hàng còn dư nợ, doanh số cho vay từ đầu chương trình là 2.554 tỷ đồng. Cho vay hỗ trợ nhà ở có tổng dư nợ 32 tỷ đồng, với 236 hộ vay, doanh số cho vay từ đầu chương trình là 94 tỷ đồng. Cho vay xây dựng nông thôn mới 43.594 tỷ đồng, tăng 3,17% so năm 2022, với 183.863 lượt khách hàng.
Các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 20 DN và 97 cá nhân, với lũy kế dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 1.090 tỷ đồng, dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 21,6 tỷ đồng. Chi nhánh các ngân hàng thương mại giải ngân hỗ trợ lãi suất cho DN với tổng doanh số cho vay từ đầu chương trình 1.241 tỷ đồng, dư nợ tín dụng 395 tỷ đồng cho 9 khách hàng, số tiền hỗ trợ lãi suất 7,78 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng hướng vào phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh theo mục tiêu, định hướng của ngành, địa phương, các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh (thủy sản, lúa gạo) có mức tăng trưởng mạnh.
Các tổ chức tín dụng tiết giảm các chi phí hoạt động và thực hiện giảm lãi suất cho vay để chia sẻ bớt khó khăn về chi phí vốn cho khách hàng, có những gói tín dụng ưu đãi đồng hành cùng DN phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh hiệu quả.
Trong khi đó, nguồn vốn huy động trên địa bàn đến cuối tháng 9/2023 là 66.591 tỷ đồng, tăng 5,62% so cuối năm 2022, mới chỉ đáp ứng khoảng 62,86% dư nợ cho vay, phần chênh lệch thiếu, các chi nhánh ngân hàng thương mại điều hòa từ hội sở chính, để phục vụ kịp thời nhu cầu vốn cho người dân, DN.
Giải pháp tăng trưởng tín dụng
Để tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh, từ đầu năm 2023 đến nay, ngành ngân hàng An Giang đã 4 lần tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - DN...
Ông Trần Minh Chánh nhận định, đánh giá chung thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, toàn hệ thống còn khoảng 10% để tăng trưởng tín dụng, tương đương cung ứng thêm 6.000 tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế. Xét về cân đối cung - cầu tín dụng cho thấy, hệ thống ngân hàng đang dư cung tín dụng rất lớn.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục kết nối, đối thoại trực tiếp với DN, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh. Tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ 20% lãi suất của Chính phủ; triển khai có hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
HẠNH CHÂU