An Giang: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư

18/07/2023 - 07:12

 - Hoạt động thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn do các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư chưa hoàn toàn hồi phục sau tác động của dịch bệnh và suy thoái kinh tế toàn cầu. Mặt khác, cả nước trong quá trình hình thành quy hoạch các cấp, nên nhà đầu tư chờ đợi các cơ chế, chính sách mới ban hành để nắm bắt cơ hội đầu tư, kinh doanh mới. Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chủ động, thực hiện các kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng và hỗ trợ kịp thời cho nhà đầu tư và DN.

Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, động viên, lắng nghe, nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp

Kết nối, tạo dựng cơ hội

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, khi dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát, công tác chỉ đạo điều hành chuyển sang “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”; lấy vai trò trung tâm của DN làm động lực tăng trưởng, phục hồi nhanh các hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) và phát triển kinh tế. UBND tỉnh tổ chức các đoàn công tác gặp gỡ và làm việc với các DN trong các khu công nghiệp; tổ chức gặp mặt đại diện các DN thông qua hiệp hội DN tại các hội nghị gặp gỡ, buổi cà-phê doanh nhân... để nắm bắt tình hình và xử lý những phản ánh, kiến nghị của DN.

“Tỉnh tiếp tục phát huy vai trò trụ đỡ nền kinh tế của ngành nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất gắn với các dự án nông nghiệp của các tập đoàn lớn đã đầu tư để xây dựng mối liên kết bền vững và hiệu quả. Sản xuất công nghiệp dần phục hồi và tăng cao hơn cùng kỳ; các loại hình hoạt động SXKD, thương mại - dịch vụ theo mô hình mới phù hợp tình hình dịch bệnh” - đồng chí Nguyễn Thanh Bình thông tin.

Để tạo thuận lợi cho DN phục hồi SXKD, ngành ngân hàng thực hiện công khai thông tin đường dây nóng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang và các chi nhánh ngân hàng thương mại để hỗ trợ, giải quyết khó khăn của DN. Đồng thời, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên (cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo, nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu...).

Đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng thiệt hại do dịch bệnh COVID-19; tổ chức đối thoại để hỗ trợ DN tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi; mở rộng tín dụng hiệu quả, đi đôi với kiểm soát chất lượng; hỗ trợ khởi nghiệp. Tổng dư nợ thực hiện đến cuối tháng 6 năm 2023 ước đạt 107.034 tỷ đồng, tăng 4,86% so cùng kỳ.

UBND tỉnh tăng cường rà soát, đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia và tỉnh; triển khai tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư các loại dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân và DN. Từ đầu năm đến nay, ban hành 10 quyết định công bố, công khai thủ tục hành chính (TTHC), danh mục TTHC; rà soát, đơn giản hóa 26 TTHC.

UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Quyết định 785/QĐ-UBND, ngày 1/6/2023 về việc thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.

Nhiệm vụ của tổ công tác thực hiện kiểm tra, đôn đốc, giám sát, theo dõi việc triển khai các dự án đầu tư, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các dự án. Rà soát, điều hành, giải quyết kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả theo quy định của pháp luật đối với các khó khăn, vướng mắc về kiến nghị, đề xuất của nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh...

Cải thiện môi trường đầu tư

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 151 DN và 65 đơn vị trực thuộc tái hoạt động, 500 DN và 350 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động mới. Tổng số vốn đăng ký 4.640 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2022, số DN đăng ký tăng 11,11% (tương đương 50 DN), số vốn đăng ký mới tăng 13,17% (tương đương 540 tỷ đồng). Tỉnh tiếp nhận 17 dự án đầu tư đăng ký mới, với tổng vốn 28.139 tỷ đồng.

Tháng 6/2023, tỉnh tổ chức Hội nghị công bố và phân tích chuyên sâu chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI), năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) năm 2022 và đối thoại DN; đánh giá sát kết quả thực hiện, những nguyên nhân làm giảm điểm và thứ hạng của tỉnh trong năm 2022, để đưa ra giải pháp cho năm 2023 và các năm tiếp theo.

“Thời gian tới, An Giang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực; thực hiện các giải pháp cắt giảm và đơn giản hóa quy trình, TTHC; chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử tạo động lực nâng cao hiệu quả cải cách hành chính. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, ngày 6/1/2023 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh gắn với nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh An Giang. Tập trung thực hiện mọi giải pháp để cải thiện xếp hạng chỉ số môi trường cạnh tranh cấp tỉnh một cách thực chất, hiệu quả nhất. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN đến với An Giang” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thông tin.

Tỉnh tăng cường tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư tại tỉnh. Triển khai hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư các lĩnh vực, ngành nghề mà tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh theo định hướng Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030. Nghiên cứu các cơ chế thu hút đầu tư vào các khu đô thị mới, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật đô thị tạo nên sự hấp dẫn nhà đầu tư.

Phát triển nhà ở xã hội tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có nơi cư trú và phát triển ổn định. Giải quyết tồn kho bất động sản, phát triển thị trường bất động sản phù hợp nhu cầu thị trường. Lắng nghe nguyện vọng, chia sẻ khó khăn với DN, khuyến khích DN, nhà đầu tư; thẳng thắn chỉ ra những rào cản, vấn đề gây vướng mắc, phiền hà, cản trở hoạt động của DN.

THU THẢO