An Giang nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

14/12/2023 - 06:15

 - Với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng tốc triển khai các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm trong năm 2023, UBND tỉnh An Giang và các cấp, ngành đã quyết liệt thực hiện các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội (KTXH). Nhờ đó, tình hình KTXH của tỉnh có nhiều khởi sắc, tạo nên khí thế mới, động lực mới cho tăng trưởng và phát triển trong năm 2024.

Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống Nhân dân ngày càng nâng cao

Bức tranh kinh tế khởi sắc

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, KTXH năm 2023 của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhu cầu đi lại, hoạt động văn hóa - xã hội nhộn nhịp, sôi động. Các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế được tập trung thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần đem lại đời sống ổn định, thị trường phát triển cho người dân và doanh nghiệp.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định, là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế; công nghiệp và dịch vụ chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh, đặc biệt là an ninh biên giới được đảm bảo.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,34%, đạt kế hoạch tỉnh đề ra (7 - 7,5%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,43%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,03%; khu vực dịch vụ tăng 8,54%; thuế trừ trợ cấp tăng 5,53%. GRDP bình quân đầu người đạt 60,55 triệu đồng/năm (tương đương 2.496 USD). Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 34,22%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 16,26%; khu vực thương mại và dịch vụ chiếm 46,01%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,5%.

Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, UBND tỉnh đã chủ động ban hành các kế hoạch thực hiện, với các nhiệm vụ trọng tâm, như: Khôi phục, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đồng thời, giữ vững ổn định phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục và ổn định thị trường lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Khẩn trương thực hiện các dự án được bố trí vốn từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển KTXH (tổng cộng 5 dự án).

Năm 2023, sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Diện tích xuống giống lúa tăng khá nhiều so năm 2023, mở rộng diện tích tích trồng lúa chất lượng cao và nếp; lúa “trúng mùa, được giá”, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Trong khi đó, diện tích gieo trồng rau màu tăng và có sự luân canh hợp lý, thay đổi chủng loại cây màu để phù hợp với thị trường; chăn nuôi và thủy sản ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Quyết tâm bứt phá

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để bứt phá thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021 - 2025). Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội mới mở ra. Các chính sách từ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH lan tỏa, có tác động tích cực, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư và mở rộng sản xuất - kinh doanh…

“Toàn Đảng bộ tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Nghị quyết của HĐND về kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 để rà soát, bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, hiệu quả, hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục đầu tư suy nghĩ, đề xuất những giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn, hạn chế, quyết tâm cao nhất đưa nền kinh tế tỉnh tăng tốc trong năm 2024 và những năm tiếp theo” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Đi đôi với thực hiện nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục thực hiện đồng bộ nhằm giải quyết cơ bản trong lĩnh vực an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu trong lĩnh vực xã hội. Đồng thời, đảm bảo nguồn lực thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Các cấp, các ngành chủ động nắm bắt những vấn đề được Nhân dân và xã hội quan tâm để giải quyết kịp thời, phù hợp quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích chính đáng của Nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, tạo niềm tin của quần chúng nhân dân và xã hội.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy đi đôi với phân cấp, phân quyền mạnh hơn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động để phục vụ Nhân dân. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có năng lực công tác hạn chế và tinh thần, thái độ làm việc thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, sợ sai, không dám làm. Từng cán bộ, đảng viên tiếp tục xây dựng đoàn kết nội bộ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, cải tiến lề lối làm việc, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội trong năm 2024, cũng như nửa nhiệm kỳ còn lại.

Một số kết quả phát triển KTXH tỉnh An Giang năm 2023: GRDP ước đạt 7,34% (đạt kế hoạch); GRDP bình quân đầu người 60,55 triệu đồng (đạt kế hoạch); tổng vốn đầu tư toàn xã hội 41.320 tỷ đồng (vượt kế hoạch); kim ngạch xuất khẩu 1.172 triệu USD (vượt kế hoạch); tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn ước đạt 7.045 tỷ đồng (vượt kế hoạch); có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao (đạt kế hoạch).

THU THẢO