An Giang phấn đấu đến cuối năm 2024 có ít nhất 30% đối tượng bảo trợ xã hội được chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt

16/04/2024 - 08:45

 - Chiều 15/4, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thí điểm thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn TP. Châu Đốc và TX. Tịnh Biên, theo Kế hoạch 360/KH-UBND của UBND tỉnh An Giang.

Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang Châu Văn Ly và Giám đốc Bưu điện tỉnh An Giang Hồ Thanh Long chủ trì hội nghị; đại diện các sở, ngành, lãnh đạo 11 huyện, thị xã, thành phố tham dự và thảo luận tại hội nghị.

Tổng số đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng trên địa bàn TX. Tịnh Biên và TP. Châu Đốc là 9.719 đối tượng (tính đến cuối tháng 3/2024). Kết quả có 5.265 đối tượng đủ điều kiện mở tài khoản, đã có 3.994 đối tượng được mở tài khoản (đạt trên 75%).

Hệ thống bưu điện tỉnh đã liên kết với Ngân hàng Nam Á đã thực chi qua tài khoản nhận trợ cấp (ATM) cho 2.389/3.994 đối tượng được mở tài khoản, chiếm 59,8%, kinh phí khoảng 7 tỷ đồng.

Bưu điện thực hiện chi trả tới địa chỉ với đối tượng thuộc các trường hợp đặc biệt, như: Người cao tuổi sức khỏe yếu, người khuyết tật không thể đi lại, không sử dụng được điện thoại, không đi đến được các điểm chi trả… đạt tỷ lệ 100%.

2 địa phương áp dụng thí điểm là TP. Châu Đốc và TX. Tịnh Biên chia sẻ thuận lợi, khó khăn tại hội nghị

Sau thời gian thí điểm, ngành chuyên môn và các địa phương chia sẻ, việc chi trả không dùng tiền mặt đối với chính sách trợ giúp xã hội có rất nhiều mặt thuận lợi và là xu thế tất yếu.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Số đối tượng chưa đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản là những người rất khó tiếp cận về dịch vụ số (bệnh tật, mồ côi, khuyết tật…). Cơ sở vật chất phục vụ đối tượng tại một số điểm chi trả của bưu điện chưa đảm bảo, trụ ATM rút tiền chưa được đầu tư nhiều.

Hội nghị nhất trí kiến nghị  UBND tỉnh An Giang chỉ đạo TP. Châu Đốc và TX. Tịnh Biên tăng cường tổ chức chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với đối tượng bảo trợ xã hội còn lại trên địa bàn.

Đồng thời, đề xuất cho chủ trương tiếp tục mở rộng thí điểm các phường, thị trấn, xã nội ô của 9 huyện, thị xã, thành phố còn lại và các đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu chi trả qua tài khoản. Phấn đấu đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có ít nhất 30% tỷ lệ người nhận bảo trợ xã hội được chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt.

MỸ HẠNH