An Giang phát huy tiềm năng du lịch tâm linh

26/06/2024 - 06:30

 - Với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của dãy Thất Sơn huyền bí, các di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa, An Giang được biết đến là nơi có nhiều địa điểm du lịch (DL) tâm linh khá nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách gần xa.

Sau những ngày làm việc căng thẳng, bận rộn với những lo toan của cuộc sống, mỗi người cũng cần có những giây phút thư giãn để thoải mái tinh thần. Chính vì vậy, DL đã trở thành một trong những hoạt động không thể thiếu của phần lớn người dân.

Mọi người DL không chỉ để thỏa mãn các nhu cầu về giải trí, nghỉ dưỡng... mà còn thể hiện niềm tin về tôn giáo, tín ngưỡng, để cảm nhận sự bình yên, thanh thản và gần gũi nhau hơn, tạo cho cuộc sống yên vui, đầy lòng yêu thương, nhân ái. Do đó, DL tâm linh trở thành xu hướng phổ biến.

Chị Đỗ Thị Hoàng Yến (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Mỗi dịp Tết đến hay ngày rằm, tôi và bạn bè thường đi lễ các chùa trong tỉnh, trước là vãn cảnh, sau là cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình. Hòa mình vào không gian yên bình, tôi thấy bản thân thư thái, sau thời gian với công việc bộn bề”.

Nhiều điểm du lịch tâm linh ở An Giang

An Giang được biết đến là một trong những địa điểm DL hấp dẫn ở ĐBSCL với những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những công trình di tích lịch sử - văn hóa lâu đời, nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa độc đáo của đồng bào 4 dân tộc (Kinh, Khmer, Chăm, Hoa) và là nơi tập trung của rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng với hệ thống công trình kiến trúc đặc sắc gắn với sự tích huyền bí từ thời khẩn hoang.

An Giang có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển DL tâm linh, với hàng ngàn cơ sở thờ tự lớn nhỏ, với hàng trăm ngôi chùa nổi tiếng, có kiến trúc độc đáo, như: Chùa Tam Bửu, chùa Tà Pạ (huyện Tri Tôn), An Hòa tự (huyện Phú Tân), chùa Giồng Thành (TX. Tân Châu), chùa Hòa Thạnh, chùa Lầu, chùa Kim Tiên (TX. Tịnh Biên), chùa Phước Thành (huyện Chợ Mới), chùa Linh Ẩn (huyện An Phú), Nam Linh Sơn Tự, Thiền viện Trúc Lâm An Giang (huyện Thoại Sơn), chùa Ông Bắc (TP. Long Xuyên)...

Bên cạnh đó là các nhà thờ Thiên Chúa, Tin Lành, các thánh đường Hồi giáo, chùa Khmer và các ngôi đình thần với lịch sử xây dựng lâu đời có kiến trúc độc đáo góp thêm nhiều lựa chọn cho những ai đến An Giang để DL tâm linh. Nổi bật như chùa Xvayton (huyện Tri Tôn) hơn 300 năm tuổi có nghệ thuật độc đáo, nơi lưu giữ nhiều bộ sách kinh lá buông của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Hay đến di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia thánh đường Mubarak (TX. Tân Châu) là một trong những thánh đường Hồi giáo lâu đời nhất có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm. Còn có Nhà thờ cù lao Giêng, Tu viện Chúa Quan Phòng, Tu viện Phanxicô được thiết kế theo phong cách Romance.

“Hàng năm, tôi và những người quen đi hành hương các địa điểm tâm linh nổi tiếng, như: Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam và các chùa ở Bảy Núi… để tham quan, vãn cảnh và cầu mong mọi điều may mắn, tốt lành cho bản thân, gia đình và người thân” - bà Nguyễn Thị Lành (tỉnh Bình Dương) cho biết.

Ngoài ra, An Giang còn có các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm. Đặc biệt nhất là Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam từ ngày 23 - 27/4 (âm lịch) hàng năm tại Khu du lịch quốc gia Núi Sam. Lễ hội không chỉ mang tín ngưỡng tâm linh mà còn là hoạt động văn hóa đặc trưng của cư dân Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng. Nơi đây, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan và hành hương, chiêm bái cầu bình an, sức khỏe...

Hay các lễ hội kỳ yên (lễ cúng đình) nhằm thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, bày tỏ lòng tôn kính đối với công lao to lớn của thần Thành Hoàng và các bậc tiền hiền có công khai khẩn, gìn giữ vùng đất… tại khắp các địa phương trong tỉnh. Lễ hội kỳ yên ở các địa phương hàng năm thu hút đông đảo người dân và du khách về tham dự để cầu mong quốc thái dân an, đất nước hòa bình, xóm làng yên vui, gia đình thuận hòa, người dân hạnh phúc, vụ mùa bội thu...

Không chỉ nổi tiếng với các di tích lịch sử - văn hóa có kiến trúc độc đáo, thiên nhiên còn ban tặng cho An Giang rất nhiều ngọn núi lớn nhỏ giữa đồng bằng châu thổ. Người xưa đã chọn 7 ngọn núi tiêu biểu (thuộc huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên ngày nay) để đặt tên cho cụm núi này là Thất Sơn, còn gọi là Bảy Núi gắn liền với những tín ngưỡng dân gian, các câu chuyện huyền thoại kỳ bí về các bậc tu tiên, những sự tích  từ thuở cha ông đi mở cõi...

Đặc biệt, trên Thiên Cấm Sơn (núi Cấm, TX. Tịnh Biên) là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn có chùa Vạn Linh có lối kiến trúc độc đáo, nổi bật với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với tháp Quan  Âm Cát 9 tầng cao 35m. Đối diện là chùa Phật Lớn, bảo tháp Xá lợi và tượng Phật Di Lặc cao 33,6m được công nhận là “Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi” lớn nhất Châu Á năm 2013. Hàng năm thu hút rất đông du khách trong và ngoài địa phương đến tham quan, chiêm bái.

Chị Nguyễn Lê Uyên Phương, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Thành thông lệ, mỗi năm gia đình tôi có ít nhất 2 lần đi An Giang tham quan, chiêm bái miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam và các chùa ở Bảy Núi. Đầu năm xin tài, lộc, may mắn và cuối năm đi tạ lễ. Đó là tín ngưỡng giúp chúng tôi có thêm niềm tin để nỗ lực trong công việc và cũng là cơ hội để các con tìm hiểu thêm kiến thức về các điểm DL tâm linh, hiểu hơn về lịch sử”.

Cùng với nhiều loại hình DL khác, DL tâm linh ở An Giang ngày càng được nhiều du khách lựa chọn để khám phá, trải nghiệm văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh về những vùng đất mới, mở ra cơ hội phát triển đa dạng sản phẩm cho ngành DL tỉnh nhà.

TRỌNG TÍN