An Giang phát huy vai trò, tầm quan trọng của văn hóa - văn nghệ

14/06/2023 - 07:18

 - Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh công tác quán triệt, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc thực hiện các nghị quyết, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ (VHVN) đạt nhiều kết quả, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

An Giang là tỉnh giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài khoảng 100km. Là tỉnh đa dân tộc, tôn giáo, trong đó 4 dân tộc Kinh - Hoa - Chăm - Khmer sinh sống hòa thuận lâu đời. Từ đó, hình thành nên những giá trị văn hóa phong phú, với nhiều lễ hội dân gian đặc sắc, như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Lễ hội đua bò Bảy Núi; các làng nghề truyền thống, các công trình kiến trúc độc đáo… tạo nên đa dạng văn hóa và nét đặc trưng. Trong đó, phải kể đến là 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu di tích Óc Eo - Ba Thê), làng nghề truyền thống lụa lãnh mỹ A (TX. Tân Châu), dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm…

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh An Giang

Toàn tỉnh có 93,98% hộ gia đình văn hóa, 71,42% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; xây dựng và cải tạo các thiết chế văn hóa - thể thao ở 61/156 xã, phường, thị trấn; hỗ trợ kinh phí trùng tu 69 đình làng. Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành di sản văn hóa và hoạt động thư viện.

Tỉnh đầu tư 5 dự án cơ sở hạ tầng khai thác tiềm năng văn hóa gắn với phát triển du lịch (DL). Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lựa chọn xây dựng chuyên đề triển khai nghiên cứu “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Xây dựng văn hóa, con người An Giang theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... 

Nhằm khai thác các loại hình DL văn hóa, tâm linh gắn với các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng là chủ đạo, tỉnh chú trọng phát triển trọng điểm DL của tỉnh: Khu du lịch núi Sam, Khu du lịch núi Cấm, Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Khu di chỉ kiến trúc văn hóa nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê.

Từng bước phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; khai thác nguồn lực văn hóa phục vụ phát triển DL; quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực xã hội.

Chú trọng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc, nhiều giá trị văn hóa được phục dựng và phát huy, như: Viết kinh Phật trên lá Buông, diễn tấu đàn Chà-Pây, dàn nhạc ngũ âm, lễ hội đua bò... (DTTS Khmer); nghiên cứu, sưu tầm họa tiết hoa văn nghề dệt thổ cẩm, nghi lễ vòng đời, các bài hát mang âm hưởng dân ca (DTTS Chăm); xây dựng Đề án phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật múa Óc Eo... Khẩn trương phối hợp các cơ quan Trung ương xây dựng hồ sơ Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới…   

Đời sống văn hóa - nghệ thuật có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển và chuyên nghiệp hơn; hoạt động phổ biến, sáng tác, quảng bá tác phẩm đa dạng, phong phú. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được củng cố, nâng chất. Với phương châm “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, toàn tỉnh phát động các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”, “Ấp 4 không”… Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình, phong trào tiêu biểu được nhân rộng, góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại…  

Vừa qua, đoàn công tác do Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm làm trưởng đoàn làm việc với Tỉnh ủy An Giang về triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên lĩnh vực VHVN. Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng khẳng định, VHVN An Giang đạt rất nhiều kết quả nổi bật, tiếp tục kế thừa, phát triển.

Nhắc lại 4 câu thơ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Đảng bộ tỉnh An Giang nhân chuyến thăm, làm việc ngày 15/4/2018: “An Giang đã nói là làm/ Đã đi là đến, đã bàn là thông/ Đã quyết là dốc một lòng/ Quê hương vẫy gọi, Đảng mong dân chờ!”, cho rằng đây như là sự khẳng định chiều sâu văn hóa của An Giang; là lời hiệu triệu để chúng ta quyết tâm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước. An Giang mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Trung ương để công tác tuyên giáo, lĩnh vực VHVN phát triển hơn nữa... 

Ông Trần Thanh Lâm đánh giá cao việc triển khai những chỉ thị, nghị quyết của Đảng về VHVN được An Giang cụ thể hóa vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Nhất là, những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa đã nâng cao vị thế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp trong tỉnh tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của VHVN; cụ thể hóa thành chương trình, nhiệm vụ sát với điều kiện thực tiễn để triển khai hiệu quả nhất. Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển toàn diện con người; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển thể chất con người gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo Bác; đưa việc học tập và làm theo gương Bác trở thành việc làm hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên...

HỮU HUYNH