An Giang phát triển hạ tầng logistics, tăng cường kết nối vùng

25/11/2021 - 05:35

 - Giai đoạn 2001-2020, kinh tế của tỉnh An Giang duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (6,4%/năm), GRDP bình quân đầu người tăng từ 4,5 triệu đồng/năm (2000) lên 15,8 triệu đồng/năm (2010) và 46,6 triệu đồng/năm (2020). Giai đoạn 2011-2020, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh là 8.596 triệu USD, nhập khẩu là 1.414 triệu USD.

Xếp dỡ hàng hóa ở Cảng Mỹ Thới. Ảnh: HẠNH CHÂU

Nhiều tiềm năng

An Giang có 7 cảng thủy, phân bố dọc theo tuyến sông Hậu, trong đó có 2 cảng vận chuyển hàng hóa, 1 cảng hành khách và 4 cảng chuyên dùng. Cảng Mỹ Thới là cảng quan trọng của tỉnh, giữ vai trò tập kết hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy ra vào địa phận An Giang. Ngoài ra, Cảng Mỹ Thới còn quản lý hệ thống 7 bến phao neo đậu có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải từ 3.000-10.000 DWT; hệ thống kho bãi có thể phục vụ lưu kho lên đến 23.500 tấn và bãi đa chức năng có thể tiếp nhận 52.000 tấn hàng hóa các loại. Cùng với đó là một số cảng nội địa, như: Cảng Bình Long, Cảng nhà máy xi-măng An Giang, Cảng Công ty bê-tông ly tâm An Giang, Cảng Gavi (xã Tân Trung, huyện Phú Tân), Cảng bốc xếp hàng hóa An Giang, Cảng hành khách Châu Đốc.

Đồng thời, tỉnh có 573 bến thủy nội địa phân bố trên các tuyến đường thủy do Trung ương và địa phương quản lý; 9 bến phà, 142 bến khách ngang sông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn tỉnh. Hệ thống bến bãi gồm hệ thống bến xe có 12 bến xe khách và 5 bến xe tải phân bố chủ yếu dọc theo các tuyến giao thông chính, đảm bảo khả năng kết nối giao thông và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

An Giang có đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia dài khoảng 100km trên tuyến biên giới Tây Nam, có nhiều cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia, gồm đường bộ và đường thủy. Hiện, An Giang có 1 Khu kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích 30.729,8ha, bao gồm 3 khu vực: Cửa khẩu Vĩnh Xương, Cửa khẩu Khánh Bình và Cửa khẩu Tịnh Biên. Trong đó, hạ tầng dịch vụ logistics khu vực Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động một số dự án thuộc khu chức năng, như: Khu thương mại Tịnh Biên quy mô 10,65ha, Khu công nghiệp Xuân Tô (phi thuế quan) quy mô 57,4ha; bãi đậu xe và dịch vụ giao thông Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên, quy mô 3,3ha; Trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, quy mô 4,1ha…

Đối với khu vực Cửa khẩu Vĩnh Xương, đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động một số dự án thuộc khu chức năng, như: cầu bắc ngang kênh Bảy Xã, quy mô 55,9m; Tỉnh lộ 952 nối dài Cửa khẩu Vĩnh Xương, quy mô 1,96km; Khu thương mại - công nghiệp Vĩnh Xương, quy mô 21,5ha đã hoàn thành hạ tầng 8ha, đang triển khai san lấp mặt bằng (giai đoạn 2) là 10ha.

Đối với khu vực Cửa khẩu Khánh Bình (gồm Cửa khẩu Vĩnh Hội Đông), đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động một số dự án thuộc khu chức năng, như: Trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Vĩnh Hội Đông, diện lích sử dụng 0,73ha; Khu thương mại - dịch vụ Cửa khẩu Khánh Bình, quy mô 31,96ha.

Giao thông đường bộ của tỉnh chủ yếu khai thác dọc theo Quốc lộ 91 (kết nối Cần Thơ - Long Xuyên - Châu Đốc - Cửa khẩu Tịnh Biên, dài 93km) và Quốc lộ 91C (kết nối Châu Đốc và Cửa khẩu Khánh Bình, dài 35,5km). Trong đó Quốc lộ 91 là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối đến các đô thị, các khu công nghiệp, bến cảng trên địa bàn. Hầu hết các kết nối đến các trung tâm đô thị của huyện, các khu, điểm du lịch lớn chủ yếu dựa vào các tỉnh lộ còn nhỏ hẹp. Nhìn chung, giao thông đường bộ còn thiếu các đường ngang kết nối tuyến huyết mạch.

Trong khi đó, các tuyến đã quy hoạch nhưng lại chậm triển khai, như: Tuyến song song với Quốc lộ 91, Quốc lộ 80B… Hạn chế lớn nhất của hệ thống giao thông đường bộ tại An Giang là chưa có tuyến cao tốc qua tỉnh để kết nối với TP. Hồ Chí Minh. Trong khi giao thông nội tỉnh chỉ khai thác ở tốc độ lưu thông thấp, do tình trạng quá tải và gần đây là tình trạng sạt lở các tuyến giao thông đường bộ dọc sông Hậu và sông Tiền làm gián đoạn lưu thông hàng hóa và hành khách.

Tăng cường kết nối

An Giang luôn được nhắc đến là địa bàn có nhiều tiềm năng khai thác giao thông đường thủy. Tuy nhiên, các tuyến đường thủy trên địa bàn chủ yếu là các tuyến dọc theo sông Tiền, sông Hậu và các kênh kết nối 2 con sông này. Thực tế cho thấy, mạng lưới giao thông đường thủy nội địa mới chỉ đóng vai trò tập kết và thu gom hàng hóa với quy mô hạn chế. Hầu hết hàng hóa của An Giang khi xuất khẩu phải vận chuyển lên các cảng đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Khung chiến lược phát triển tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050, tỉnh xác định tập trung, ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện hệ thống giao thông nội tỉnh đảm bảo kết nối các trung tâm đô thị, các điểm đến du lịch, khu công nghiệp, vùng nguyên liệu nông thủy sản tập trung và hạ tầng logistics (cảng biển, bến xe), với mục tiêu tạo thông thoáng cho hoạt động giao thương, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Cùng với xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thông suốt, đồng bộ, chất lượng, kết nối với vùng TP. Hồ Chí Minh và vùng TP. Cần Thơ sẽ rất quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh, đặc biệt là sớm có các tuyến cao tốc, như: Cần Thơ - Mỹ Thuận, Trung Lương - Mỹ Thuận, An Hữu - Cao Lãnh, Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc.

Phát triển hạ tầng kinh doanh thương mại hiện đại, đồng bộ với mục tiêu phát triển du lịch, kinh tế biên mậu, hướng đến là một trong những trung tâm thương mại đa ngành của vùng ĐBSCL. Phát triển 1 trung tâm logistics cấp vùng đặt tại TP. Long Xuyên. Phát triển cảng cạn (ICD), khu bến Mỹ Thới, các bến cảng tổng hợp, container, các bến khách. Hoàn thành dự án các tuyến giao thông thủy - bộ và đưa vào vận hành lưu thông… góp phần nâng cao hiệu quả trong việc phát triển logistics trên địa bàn tỉnh.

An Giang đã và đang cùng các tỉnh khẩn trương hoàn thiện quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó kế thừa những quan điểm, định hướng phát triển dài hạn đã được xác định trong Nghị quyết 120/NQ-CP và văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, từ đó đặt ra lộ trình phù hợp. Cùng với quy hoạch vùng, 13 địa phương vùng ĐBSCL đang khẩn trương hoàn thiện quy hoạch cấp tỉnh để cụ thể hóa quy hoạch vùng trong tổng thể liên kết, đồng bộ, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Tại hội nghị trực tuyến lấy ý kiến hoàn thiện quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành (Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL) yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến, hoàn thiện quy hoạch để họp Hội đồng thẩm định, cố gắng sớm phê duyệt quy hoạch vùng. Trong chủ trương chung đã xác định nhiều chính sách ưu tiên khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng. Do đó, tập trung triển khai quy hoạch linh hoạt, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn liên kết vùng; phát triển sản xuất, hệ thống thủy lợi, phòng chống xâm nhập mặn, thích ứng biến đổi khí hậu…

HỮU HUYNH