An Giang phát triển hạ tầng thương mại

06/02/2023 - 07:05

 - Việc xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại có những bước phát triển đáng kể, đưa An Giang trở thành điểm giao thương năng động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn và các khu vực lân cận, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

Những năm gần đây, việc xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến đáng kể. Các loại hình thương mại bán lẻ như cửa hàng tiện lợi, siêu thị hình thành ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng về lựa chọn đa dạng hàng hóa theo hướng văn minh, hiện đại.

Theo Sở Công Thương An Giang, năm 2022, tỉnh đã phát triển mới 4 Cửa hàng Bách Hóa Xanh và 13 cửa hàng Winmart+. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 7 siêu thị (trong đó có 1 siêu thị chuyên doanh), 89 cửa hàng tiện lợi (trong đó có 61 Cửa hàng Bách Hóa Xanh; 27 Cửa hàng Winmart+; 1 Cửa hàng Co.op Food) và 190 chợ truyền thống…

Việc hình thành các cửa hàng tiện lợi đã góp phần thay đổi tâm lý và thói quen mua sắm của người dân. Đến với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, người dân được lựa chọn hàng hóa có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ và được kiểm định nghiêm ngặt, đồng thời được tham gia các hoạt động giải trí, vui chơi, thụ hưởng các chính sách ưu đãi...

Chị Lê Thị Kim Dung (TP. Long Xuyên) là khách hàng thường xuyên của Siêu thị Co.opmart. Nơi đây tập trung nhiều mặt hàng, từ lương thực, thực phẩm tới các đồ gia dụng, hàng thiết yếu... nên mỗi lần đi mua sắm, chị Dung không phải mất nhiều thời gian di chuyển. “Mua sắm tại các địa điểm này còn có chương trình tích điểm qua thẻ, khiến những khách hàng như tôi thích thú” - chị Dung chia sẻ.

Cùng với phát triển hạ tầng thương mại nội địa, do đặc thù là tỉnh có đường biên giới dài nên việc phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu đã và đang được ngành chức năng quan tâm đầu tư, xây dựng các hạng mục theo quy định và yêu cầu thực tiễn.

Theo Sở Công Thương, đến nay, tỉnh đã hoàn thành và chính thức đưa vào hoạt động Trạm Kiểm soát liên hợp cửa khẩu Khánh Bình với kinh phí hơn 2,61 tỷ đồng; triển khai thi công các hạng mục của công trình hệ thống xử lý nước thải tập trung Khu Thương mại - Dịch vụ Cửa khẩu Khánh Bình (giai đoạn 1), với công suất 700m3/ngày, kinh phí 12,5 tỷ đồng. Ngành công thương đang thực hiện đầu tư xây dựng dự án Trạm Kiểm soát liên hợp cửa khẩu Vĩnh Xương với quy mô 79.864m2, kinh phí gần 34,1 tỷ đồng; xây dựng dự án nhà nghỉ các đơn vị chức năng quản lý cửa khẩu Tịnh Biên với kinh phí 259 triệu đồng.

Theo Sở Công Thương An Giang, đến nay, trên địa bàn 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới có 13 chợ biên giới, 3 siêu thị, 22 Cửa hàng Bách Hóa Xanh; 5 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu ở biên giới được Tổng cục Hải quan công nhận theo Nghị định 68/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Các địa phương khu vực biên giới thu hút được 48 dự án đầu tư đăng ký mới.

Trong đó, đã phê duyệt 9 dự án với tổng vốn đầu tư 860 tỷ đồng, gồm: 2 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 391 tỷ đồng; 7 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 469 tỷ đồng. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 1 dự án lớn với tổng vốn 14.096 tỷ đồng.

Mới được đưa vào hoạt động thời gian gần đây, Trung tâm Thương mại Long Bình (huyện An Phú) có tổng diện tích 10.457m2, được xây dựng kiên cố với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, gồm khu bách hóa tổng hợp và khu nông sản thực phẩm với tổng số 254 ki-ốt, tổng kinh phí xây dựng gần 24,9 tỷ đồng. Trong đó, khu bách hóa tổng hợp 160 ki-ốt, khu nông sản thực phẩm 94 ki-ốt. Hàng hóa đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân địa phương.

Theo ghi nhận, hầu hết các tiểu thương ở đây đều rất phấn khởi khi được kinh doanh, mua bán trong khu trung tâm thương mại khang trang, thoáng mát, sạch đẹp, an toàn... Việc Trung tâm Thương mại Long Bình đi vào hoạt động đóng vai trò quan trọng trong trao đổi hàng hóa, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển sản xuất kinh - doanh khu vực biên giới. Đây là động lực, đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện An Phú ngày càng phát triển. 

Thời gian tới, An Giang tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đã thực hiện đầu tư hạ tầng thương mại mở rộng hoạt động kinh doanh. Đồng thời, tăng cường kêu gọi, đón nhiều nhà đầu tư mới phát triển các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... Từ đó, góp phần phát triển hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân, doanh nghiệp.

ĐỨC TOÀN