An Giang phát triển hệ thống logistics, thương mại biên giới

03/01/2024 - 04:49

 - An Giang có đường biên giới dài gần 100km, giáp Vương quốc Campuchia; là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL tới Campuchia và các nước khu vực ASEAN. Đây là lợi thế của tỉnh trong phát triển thương mại biên giới. Cùng với đó, hệ thống logistics chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả nổi bật.

Khu kinh tế cửa khẩu biên giới

Theo Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng, giai đoạn 2019 - 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng bình quân đạt 5,5%/năm. Riêng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt gần 2,7 tỷ USD (tăng 7,6% so cùng kỳ 2022).

Trong đó, xuất khẩu đăng ký tại An Giang trên 553 triệu USD (tăng 9,7%). Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu: Phân bón, sắt thép, xi-măng, xăng dầu, bách hóa tổng hợp, nông thủy sản… Từ năm 2019 đến nay, tỉnh hoàn thiện 4 hồ sơ đề nghị mở, nâng cấp cửa khẩu. Nghị quyết 146/NQ-CP của Chính phủ mở mới cửa khẩu quốc tế đường bộ Vĩnh Xương và hợp nhất với cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương thành Cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Vĩnh Xương.

Đặc biệt, hạ tầng giao thông, logistics và biên giới được tỉnh quan tâm hoàn thiện. Khu kinh tế cửa khẩu An Giang tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm sẽ được tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Nhiều dự án lớn về giao thông, logistics trên địa bàn tỉnh, nhất là tại khu vực kinh tế cửa khẩu được đầu tư thực hiện.

Số lượng kho bãi, tập kết hàng hóa quy mô lớn phát triển mạnh, tăng 6 doanh nghiệp có hoạt động địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu đã được Tổng cục Hải quan công nhận. Kết cấu hạ tầng trung tâm logistics của tỉnh được hình thành tại Cảng Mỹ Thới (diện tích hoạt động 39,5ha, công suất thiết kế 4 - 4,75 triệu tấn/năm), khu vực Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Cảng thủy nội địa Bình Long đi vào hoạt động, có thể tiếp nhận tàu 3.000 tấn, hệ thống kho khoảng 6.000m2, sức chứa 15.000 tấn hàng hóa. Qua đó, kết nối và thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa.

Tỉnh phát triển 2 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 90 cửa hàng tiện lợi  và 189 chợ. Trong đó, 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới có 52 chợ (13 chợ biên giới), 3 siêu thị, 21 cửa hàng Bách Hóa Xanh và 6 cửa hàng Vinamart+. Theo đánh giá của Sở Công Thương, đây là điểm nổi bật so với giai đoạn trước. Qua đó, ngày càng tạo nhiều việc làm cho người lao động, minh chứng bằng số lượng lao động trong lĩnh vực logistics năm 2023 tăng 9,4% so cùng kỳ năm 2019.

Trong thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới, hạ tầng logistics, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 168 dự án, tổng số vốn đăng ký 29.836 tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 39 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 306 triệu USD, tổng vốn thực hiện 176 triệu USD. Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, 49 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng số vốn đăng ký khoảng 8.540 tỷ đồng.

Thời gian qua, ngành công thương cùng các ngành liên quan đã có những đóng góp quan trọng cho hoạt động phát triển hệ thống logistics, thương mại biên giới của tỉnh. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI) năm 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA) khởi xướng, thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam nhằm xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics và doanh nghiệp dịch vụ logistics. An Giang có tổng điểm 44,6/100 điểm, do điểm số về cơ sở hạ tầng của tỉnh còn rất thấp (27,5 điểm).

Tuy nhiên, điểm số về các trụ cột khác của tỉnh (nhất là về công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) cao hơn mức trung bình, thậm chí cao hơn một số tỉnh, thành phố có tiềm năng mạnh về phát triển logistics. Điều này cho thấy, công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền kiến thức về logistics của tỉnh nói chung và Sở Công Thương nói riêng đạt được hiệu quả nhất định, chất lượng dịch vụ logistics ngày càng được nâng cao.

Thời gian tới, ngành công thương tỉnh bám sát Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu An Giang đến năm 2030… để triển khai thực hiện công việc cụ thể liên quan đến hoạt động logistics, tập trung phát triển logistics số (e-logistics).

Đồng thời, tiếp tục kêu gọi xúc tiến đầu tư; thường xuyên rà soát danh mục dự án, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, cơ chế chính sách của tỉnh; hỗ trợ, tư vấn nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án; tuyên truyền, cung cấp thông tin, cơ sở pháp lý liên quan việc thực hiện logistics trong môi trường đầu tư, kinh doanh...

Trên tinh thần cầu thị, tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng: Giao thông, thương mại, cụm công nghiệp, thông tin liên lạc... Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; ưu tiên sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo nền tảng, tiền đề khai thông tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, áp dụng công nghệ kỹ thuật số, xây dựng hệ thống quản lý liên thông công khai, chia sẻ thông tin từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ (từ khâu thu mua, sản xuất, kho hàng, phân phối, vận chuyển, trả hàng, hậu mãi) giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt thông tin nhanh chóng, điều phối kịp thời, mang lại hiệu quả trong hoạt động hệ thống logistics.

Tỉnh tăng cường kêu gọi xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp lớn vào nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại khu kinh tế cửa khẩu; đảm bảo hoạt động xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa tại khu kinh tế cửa khẩu.

HẠNH CHÂU