Tại An Giang, môn đẩy gậy xuất hiện ở nhiều hội thao cấp tỉnh, huyện và địa phương khá thường xuyên. Hàng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp các địa phương tổ chức Giải đẩy gậy - kéo co thanh, thiếu niên và trẻ tỉnh An Giang. Đây được xem là sân chơi hấp dẫn, mang tính cạnh tranh được các vận động viên (VĐV) chờ đợi.
Năm 2020, sự kiện thể thao mang đậm tính truyền thống này được tổ chức ở huyện Châu Thành thu hút gần 200 VĐV là học sinh các trường THCS, THPT đến từ 11 địa phương trong tỉnh tham gia. Mục tiêu của giải đấu không dừng lại ở việc tạo sân chơi thể thao cho lứa tuổi học sinh, đó còn là nền tảng để hướng các bạn trẻ về với bộ môn thể thao dân tộc. Từ đó, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong hoạt động thể thao, góp phần tăng cường hoạt động giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết giữa các VĐV và địa phương trong tỉnh.
Đẩy gậy được mọi tầng lớp nhân dân yêu thích
Tại Giải đẩy gậy - kéo co thanh, thiếu niên và trẻ tỉnh An Giang năm 2020, đơn vị Tịnh Biên xuất sắc đoạt hạng nhất toàn đoàn, với 6 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 5 huy chương đồng; đơn vị TX. Tân Châu hạng nhì toàn đoàn, với 5 huy chương vàng, 6 huy chương bạc, 4 huy chương đồng; huyện An Phú hạng ba toàn đoàn với 4 huy chương vàng, 2 huy chương bạc.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Tịnh Biên Nguyễn Văn Xưa cho biết, đẩy gậy là môn thể thao truyền thống nhưng muốn vươn đến thành tích tốt không phải là chuyện “một sớm, một chiều”.
Đó là quá trình tập luyện nghiêm túc, bài bản và tích lũy kinh nghiệm qua việc thi đấu cọ xát của các VĐV. Với môn thể thao này, VĐV không chỉ biết dùng đến sức khỏe để đẩy bật đối phương mà còn phải tính toán thời điểm cầm cự hoặc bung sức để giành chiến thắng. Và để có được lứa VĐV đủ kinh nghiệm, thể lực như thế đòi hỏi phải có quá trình chuẩn bị dài hơi.
Với cách làm này, đơn vị TX. Tân Châu chứng minh được khả năng đào tạo VĐV trẻ ở môn đẩy gậy. Ngoài ra, ngành thể thao ở thị xã biên giới này còn có những tính toán mang tính khoa học, đảm bảo sự kế thừa giữa các lứa VĐV. Nhờ đó, TX. Tân Châu luôn đạt thứ hạng cao tại các giải đẩy gậy cấp tỉnh những năm qua.
Ở huyện đầu nguồn An Phú, đẩy gậy được tổ chức tại nhiều hội thao trên địa bàn và cán bộ, công nhân viên chức, người lao động rất thích bộ môn này. Đó là cơ sở để địa phương tiếp tục phát triển môn thể thao truyền thống này. Hiện nay, định hướng phát triển môn đẩy gậy của An Phú là tập trung vào lứa trẻ song song với việc tạo sân chơi hấp dẫn cho mọi tầng lớp nhân dân.
Theo đó, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện An Phú phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh phát triển bộ môn này trong trường học. Giáo viên thể dục các trường sẽ chủ động hướng dẫn học sinh tiếp cận với đẩy gậy, giúp các em sớm hình thành niềm đam mê và có điều kiện tập luyện lâu dài.
Những đơn vị thực hiện tốt mục tiêu này là: Trường THPT An Phú, Trường THPT Lương Thế Vinh, Trường THPT Quốc Thái. Đây là những đơn vị cung cấp nhiều VĐV đẩy gậy trẻ có tiềm năng để ngành thể thao huyện An Phú bồi dưỡng, phát triển. Qua đó, dần cải thiện thành tích của huyện đầu nguồn ở bộ môn thể thao truyền thống này những năm gần đây.
Với yếu tố hấp dẫn vốn có, đẩy gậy vẫn cho thấy sức hút đối với người dân, nhất là thanh, thiếu niên. Do đó, cần có thêm nhiều giải đấu mang tính cạnh tranh cùng sự quan tâm của ngành thể thao để bộ môn đẩy gậy phát triển đúng tiềm năng vốn có của mình.
THANH TIẾN