An Giang phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành kinh tế mũi nhọn

06/06/2024 - 23:49

 - Thực hiện Chương trình hành động 09-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, thời gian qua, An Giang phát triển khá hiệu quả nguồn nhân lực, xem đây là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh.

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch

Tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và du lịch (DL). Từ năm 2018, tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 34.727 lượt người, với tổng kinh phí thực hiện 17,7 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước 17,5 tỷ đồng, còn lại nguồn xã hội hóa).

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành NN&PTNT 23.868 lượt người; Sở Giáo dục và Đào tạo tập huấn, bồi dưỡng phát triển nhân lực nguồn trong học sinh phổ thông 8.510 lượt người; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển DL thành ngành kinh tế mũi nhọn 2.349 lượt người...

 Trong 3 năm (2021 - 2023), tỉnh bố trí ngân sách thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực với tổng kinh phí hơn 19,4 tỷ đồng, kết quả thực hiện hơn 15,7 tỷ đồng. Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, trong 3 năm (2021 - 2023), tổng số nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao được đào tạo, bồi dưỡng 20.874 người, đạt 53,52% kế hoạch. Trong đó, đào tạo, bồi dưỡng 2.444 nhân lực công và 18.430 nhân lực xã hội trong lĩnh vực NN&PTNT.

Tổng số nhân lực phục vụ phát triển DL được đào tạo, bồi dưỡng 2.425 người, đạt 45,2% kế hoạch. Trong đó, nguồn nhân lực công 1.405 người, nguồn nhân lực xã hội 1.020 người. Tổng số nhân lực nguồn trong học sinh phổ thông được đào tạo, bồi dưỡng 15.700 người, đạt 71,85% kế hoạch. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2024, đào tạo, bồi dưỡng 4.085 nhân lực phục vụ phát triển DL; 31.389 nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, năm 2023, đơn vị tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành NN&PTNT cho 11.065 người, trên cả 3 lĩnh vực: Nhân lực công, nhân lực xã hội và các hoạt động khác. Kết quả, đào tạo sau đại học 8 thạc sĩ tập trung vào các ngành thuộc chuyên ngành lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các ngành phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, góp phần phục vụ hiệu quả công tác tham mưu, tổ chức sản xuất nông nghiệp, đủ năng lực tư vấn cho hợp tác xã, nông dân; tích cực thúc đẩy chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp...

Bên cạnh đó, tỉnh đào tạo nhân lực xã hội cho 9.846 tổ chức nông dân, nông dân và lực lượng lao động nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế hợp tác và các nhóm kỹ năng phục vụ quản lý, điều hành hợp tác xã, tổ hợp tác làm việc tại các tổ chức nông dân, trang trại. Tập huấn nâng cao năng lực sản xuất ở các ngành hàng, kiến thức hội nhập thị trường, về an toàn thực phẩm, cấp mã số vùng trồng. Nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu nguồn lực lao động cho sản xuất - kinh doanh tại các doanh nghiệp nông nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, tổ chức nông dân; nâng cao năng lực gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản...

Đặc biệt, tập huấn nâng cao năng lực gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản tại các địa phương cho 4.000 nông dân. Tập huấn chuyên sâu các đối tượng sản xuất chủ lực, để hình thành nhóm nông dân nòng cốt tại mỗi địa phương, tham gia làm đầu mối hỗ trợ kỹ thuật, cầu nối gắn kết “5 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng và nhà nông) và tiên phong thí điểm các mô hình hiệu quả với 550 nông dân tiêu biểu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhận định, công tác xây dựng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, góp phần tăng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, công tác tổ chức các lớp tập huấn cho nhân lực phục vụ phát triển DL đôi lúc còn gặp trở ngại, nhất là công tác chiêu sinh. Nguyên nhân do sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp tập trung hoạt động kinh doanh, chưa thật sự quan tâm đến đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ DL.

Định mức chi thù lao giảng viên theo quy định chưa tương xứng với trình độ, năng lực của giảng viên là chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở bộ, ngành Trung ương, nên chưa mời được các giảng viên này đến tỉnh giảng dạy, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kết nối các hoạt động hợp tác. Việc tổ chức các chuyến học tập thực tế ở các nước có nền nông nghiệp phát triển cho nông dân, công chức, viên chức chưa thực hiện được...

Thời gian tới, tỉnh tập trung đào tạo nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp và DL trở thành những ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH và hội nhập quốc tế, đóng góp cho quá trình phát triển của tỉnh.

CHÂU AN