An Giang phục hồi phát triển kinh tế - xã hội

01/04/2022 - 06:55

 - 3 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) toàn tỉnh An Giang tăng trưởng dương (tăng 4,02%). Các khu vực nông - lâm - thủy sản; công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ đều tăng. Xuất khẩu có nhiều tín hiệu khả quan; thương mại - dịch vụ, du lịch lữ hành tăng trưởng mạnh... mở ra tín hiệu lạc quan phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).

Cơ cấu kinh tế khu vực nông-lâm- thủy sản chiếm tỷ trọng 39,86%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 10,91%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 45,97%. Tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế 1.869 tỷ đồng. Rau màu, chăn nuôi và thủy sản có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Giá trị sản xuất khu vực nông-lâm-thủy sản đạt khoảng 16.759 tỷ đồng, tăng 1,89% so cùng kỳ. Thương mại - dịch vụ tăng trưởng khá tốt, doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 42.244 tỷ đồng, tăng 9,91% so cùng kỳ. Ngành du lịch chuyển biến khá nhờ dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, toàn tỉnh đón hơn 2,5 triệu lượt khách tham quan, du lịch (tăng 39% so cùng kỳ). Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch 1.400 tỷ đồng. An Giang hiện có 38 dự án nước ngoài đang đầu tư; đầu năm đến nay thu hút được 2 dự án đăng ký đầu tư mới với vốn đăng ký 91,32 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, quý I/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,24% so cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp hoạt động trở lại ổn định khi thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Các doanh nghiệp (DN) đã khôi phục sản xuất - kinh doanh (SXKD) nhanh chóng và tích cực. Nhiều nhà máy tăng tốc hoạt động hết công suất đáp ứng nguồn cung ứng hàng hóa, khôi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới... Kim ngạch xuất khẩu quý I của tỉnh đạt 265,6 triệu USD, tăng 6,79% so cùng kỳ và đạt 95,2% so với kế hoạch kịch bản tăng trưởng của tỉnh. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng nhẹ. Nổi bật là mặt hàng thủy sản có sự chuyển biến tích cực tiếp nối những tín hiệu lạc quan từ thị trường Trung Quốc.

Vừa qua, An Giang vinh dự đón Tổng thống nước Cộng hòa Sierra Leone đến làm việc, mở rộng mối quan hệ hợp tác với Sierra Leone trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản... Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đã ký biên bản ghi nhớ hợp đồng xuất khẩu 3 triệu tấn gạo cho Sierra Leone trong 3 năm.

Cùng với đó, Công ty TNHH dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (LTF) - thành viên Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ký kết tổ chức sản xuất bao tiêu 2 triệu tấn lúa với Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn. Tập đoàn Tân Long khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc, quy mô lớn nhất Châu Á, diện tích 161.000m2, tại xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn), có công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, công suất sản xuất gạo thành phẩm 3.600 tấn/ngày. Sẽ liên kết bao tiêu 30.000ha với các hợp tác xã tại An Giang.

“Dự án cầu Châu Đốc được khởi công xây dựng đã góp phần thông tuyến Quốc lộ N1, kết nối theo trục ngang của các tỉnh Tây Nam bộ nằm trên trục hành lang biên giới (Long An-Đồng Tháp-An Giang-Kiên Giang), rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu đến TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới, thu hút khách du lịch đến An Giang; thúc đẩy phát triển kinh tế và mời gọi, thu hút DN đầu tư vào An Giang” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Nhanh chóng phục hồi, phát triển các hoạt động SXKD, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phòng, chống dịch hiệu quả, tỉnh ưu tiên các ngành, lĩnh vực quan trọng; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân; đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đó là mục tiêu cả hệ thống chính trị, DN và nhân dân An Giang đang tập trung thực hiện đưa KTXH phục hồi sau đại dịch. Tỉnh phấn đấu đạt các chỉ tiêu KTXH cơ bản giai đoạn 2021-2025: tăng trưởng GRDP bình quân đạt 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 70 đến hơn 72 triệu đồng/người/năm; kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt gần 5,3 tỷ USD. Thu ngân sách từ kinh tế 5 năm đạt 41.303 tỷ đồng; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 lên 73%...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, giải pháp then chốt là tỉnh đang thực hiện mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh. Mở cửa lại các điểm du lịch, các ngành dịch vụ, giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở và các dự án chiến lược, có sức lan tỏa mạnh, phát triển KTXH. Cùng với đó, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa mạnh.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Phạm Minh Tâm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng cấp thiết, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hai tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công hơn 230,3 tỷ đồng, đạt 4,37% kế hoạch. Đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư xây dựng; thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và DN phục hồi SXKD. Chuẩn bị tổ chức hội nghị đối thoại với DN, nhà đầu tư, hội nghị xúc tiến đầu tư; thu hút đầu tư, hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cho DN và người dân phục hồi SXKD.

Với nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả, năm 2022, tỉnh sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.         

HẠNH CHÂU