Điểm sáng kinh tế - xã hội
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 6,95% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (4,9%); khu vực thương mại, dịch vụ tăng trưởng 8,8%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (5,93%). Thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 3.959 tỷ đồng (đạt 59,64% dự toán HĐND tỉnh giao).
Từ đầu năm 2023 đến nay, có 335 doanh nghiệp và 316 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động mới, với tổng vốn đăng ký mới trên 3.000 tỷ đồng; tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 1 dự án với tổng vốn đăng ký trên 31 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương đầu tư để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 1 dự án với tổng vốn đăng ký trên 15.250 tỷ đồng.
Khánh thành các công trình di tích cấp quốc gia khu vực núi Sam
Về phát triển văn hóa - xã hội, 6 tháng đầu năm 2023, nhờ kiểm soát tốt dịch COVID-19 nên các hoạt động văn hóa của tỉnh dần phục hồi và tổ chức tốt, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được duy trì trong bối cảnh cả nước gặp khó khăn về thuốc, vật tư y tế. An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Quốc phòng - an ninh đảm bảo; lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
“Đặc biệt, tỉnh hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý II/2023. Đồng thời, triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm từ nguồn vốn đầu tư công và ngoài ngân sách trên địa bàn, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển KTXH của tỉnh.
Đặc biệt, tích cực thực hiện các thủ tục chuẩn bị lễ khởi công Dự án tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa phận An Giang đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ. Đẩy mạnh ký kết hợp tác phát triển KTXH với TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Tháp, Tuyên Quang; xúc tiến hợp tác với tỉnh Kiên Giang, TP. Cần Thơ, mở ra nhiều cơ hội đầu tư, phát triển toàn diện” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết.
“Từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH có nhiều chuyển biến tích cực, khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực” - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang ghi nhận, đánh giá cao.
Mạnh mẽ, quyết liệt
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng vẫn còn một số hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH, như: Phát triển nông nghiệp thiếu bền vững, thiếu liên kết trong sản xuất - kinh doanh; kinh tế tập thể, hợp tác xã chậm phát triển; một số DN còn gặp nhiều khó khăn, phải tạm dừng sản xuất và cắt giảm lao động; kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so kế hoạch; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 bị tụt hạng nhiều so năm 2021 (Chỉ số PAPI giảm 12 bậc, PCI giảm 37 bậc); dịch bệnh sốt xuất huyết và tay-chân-miệng tăng cao; tội phạm về trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng...
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH, quốc phòng - an ninh theo kế hoạch đề ra. Trong đó, tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các công trình trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài sản công; nhất là về đất đai, tài nguyên, khoáng sản đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.
Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh
“Quá trình thực hiện các công trình, dự án phải đảm bảo các trình tự, thủ tục đúng quy định pháp luật; chặt chẽ về cơ sở pháp lý; việc sử dụng vốn phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả và tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm. Tiếp tục rà soát các nội dung thực hiện Chương trình hành động 07-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và lộ trình triển khai thực hiện, để có giải pháp cụ thể lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ đặt ra” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang lưu ý.
Tỉnh tập trung thực hiện tốt việc tổ chức các hoạt động chào mừng và Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2023). Tiếp tục phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm, không để bùng phát, lây lan trên diện rộng. Chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai để ổn định đời sống người dân. Quan tâm tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế. Thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới…
“Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các cấp, ngành tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, quyết tâm trong lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Chủ động nắm tình hình và xử lý linh hoạt, kịp thời, có hiệu quả những vấn đề còn tồn tại, các sự việc nhạy cảm phát sinh. Đồng thời, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để nâng cao chỉ số PCI, PAPI...” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh. |
THU THẢO