An Giang sẵn sàng năm học mới

05/09/2023 - 04:12

 - Sáng nay (5/9), tất cả các điểm trường trên địa bàn An Giang chính thức bước vào năm học mới. Cùng với sự quan tâm của toàn xã hội trong việc chăm lo, nâng chất giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), các trường chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tạo không khí vui tươi, phấn khởi để đảm bảo công tác dạy và học.

Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Trần Thị Ngọc Diễm cho biết, năm học 2023 - 2024, tỉnh An Giang tiếp tục tập trung triển khai thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết của Trung ương và của Đảng bộ tỉnh. Ngành chuyển đổi phương thức trong tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng đổi mới nội dung, phương pháp, cách đánh giá nhằm phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất và kỹ năng sống của học sinh.

Tiếp tục kiện toàn và tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu của sự phát triển trong tình hình mới, cũng như đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh giao quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, tài chính, chuyên môn cho các trường học đi đôi với tăng cường quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục. Triển khai đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, phân luồng đào tạo nghề sau THCS và THPT; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; thực hiện mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Toàn tỉnh có 714 trường học các cấp (22 trường ngoài công lập), trong đó 1 nhà trẻ, 197 trường mầm non, mẫu giáo (19 trường ngoài công lập), 307 trường tiểu học, 155 trường THCS (không có trường ngoài công lập), 54 trường THPT (3 trường ngoài công lập) và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Số trường học đạt chuẩn quốc gia là 353/694 trường, đạt tỷ lệ 50,86%; có 25.652 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó, số cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn là 21.018 người, tỷ lệ 94,81%; cán bộ quản lý trên chuẩn 502 người, giáo viên trên chuẩn 2.695 người…

Với những kết quả đạt được trong những năm học qua, tỉnh tiếp tục phấn đấu thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non, tiếp tục hoàn thiện Chương trình giáo dục mầm non mới sau thí điểm, nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025”.

Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tăng cường quản lý, hỗ trợ, nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục. Tham mưu UBND tỉnh tiếp tục thực hiện lộ trình Kế hoạch 206/KH-UBND thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn II (2021 - 2025), định hướng đến năm 2030” và Kế hoạch 376/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030” trên địa bàn tỉnh An Giang.

Tổ chức thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 4 cấp tiểu học, lớp 6, 7, 8 cấp THCS và lớp 10, 11 cấp THPT; tiếp tục thực hiện nội dung dạy học lớp 5, lớp 9, lớp 12 Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 theo hướng tinh giản, phù hợp, tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tập trung chỉ đạo chuyên môn dạy và học, chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, có biện pháp thúc đẩy giáo dục toàn diện cho học sinh, nâng cao chất lượng học tập, tinh thần, ý thức tự học, tự rèn luyện của mỗi học sinh; định hướng công tác thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới; tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Tích cực ứng dụng công nghệ, số hóa trong công tác quản lý, dạy và học, áp dụng có hiệu quả việc ứng dụng các phần mềm trong tổ chức hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh.

Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, của giáo viên. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường...

Tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT chất lượng, hiệu quả; đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, đẩy mạnh học tập thường xuyên, học suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác.

Phát triển các hình thức giáo dục hòa nhập để đáp ứng quyền được học tập của người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Triển khai hiệu quả Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030; phối hợp triển khai các mô hình xây dựng ”Công dân học tập”; ”Đơn vị học tập”, tiến đến xây dựng 2 thành phố học tập ở TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu ngành GD&ĐT chuẩn bị thật tốt các điều kiện để vừa triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm học mới, vừa bảo đảm an toàn về công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ, công tác tuyển sinh và các điều kiện phục vụ cho năm học mới.

HỮU HUYNH