An Giang tập trung thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022

06/07/2022 - 02:32

 - Sau 2 năm khởi đầu nhiệm kỳ 2020-2025 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, năm 2022 được xem là cơ hội tốt để An Giang phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), tạo đà tăng tốc cho giai đoạn nửa cuối còn lại của nhiệm kỳ. Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 còn có ý nghĩa quan trọng chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022).

Vượt kịch bản tăng trưởng

Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, An Giang tập trung phục hồi kinh tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, phức tạp. Trong đó, xung đột chính trị sâu sắc ở Châu Âu đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế, nhất là giá cả nhiên liệu, vật tư đầu vào sản xuất.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Phạm Minh Tâm, dưới sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, tình hình KTXH 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc so cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,98% so cùng kỳ, vượt kịch bản tăng trưởng đề ra. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định; công nghiệp và dịch vụ chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh, đặc biệt là an ninh biên giới được đảm bảo.

Trong mức tăng GRDP 4,98%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,51%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 7,64%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 6,10%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,14%. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 32,66%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 15,45%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 47,79%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,1%.

“Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực thương mại, dịch vụ vẫn còn thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng đã đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn tỉnh đang dần phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2022 của các khu vực cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm 2021. Khu vực nông nghiệp dù giảm về sản lượng, song đang chuyển dần sang sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Kết quả này cho thấy, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước” - ông Phạm Minh Tâm nhận xét.

Quyết tâm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng

Nếu đặt tốc độ tăng trưởng kinh tế 4,98% trong 6 tháng đầu năm 2022 của An Giang trong bối cảnh chung, sẽ cho thấy nỗ lực rất lớn. Những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022, khi mà dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, cuộc sống dần trở lại bình thường thì tình hình thế giới vẫn tồn tại nhiều bất ổn, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro; Trung Quốc vẫn siết chặt nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản dựa vào chính sách “Zero COVID”. Trong nước, giá cả nhiều mặt hàng tăng cao và có xu hướng tiếp tục tăng, như: Xăng, dầu, sắt thép, vật tư nông nghiệp... làm cho chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm tăng, sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng, tác động rất lớn đến đời sống của người dân.

Cùng với nỗ lực đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn kịch bản (tăng 4,98% so kịch bản 4,72%), tỉnh còn tập trung hỗ trợ phục hồi sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Ước chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,03% so cùng kỳ năm 2021; ước giá trị sản xuất (theo giá hiện hành) ngành công nghiệp đạt 29.609 tỷ đồng.

Tỉnh đã tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại nhằm kích cầu tiêu dùng, giới thiệu sản phẩm, thu hút nhiều lượt khách đến tham quan, mua sắm, như: Ngày hội Mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền (thu hút khoảng 125.000 lượt khách, tổng doanh số bán hàng đạt 24 tỷ đồng); Hội chợ Thương mại quốc tế Tịnh Biên - An Giang (thu hút 264.000 lượt khách, tổng doanh số bán hàng khoảng 15 tỷ đồng). Đồng thời, tổ chức trưng bày, triển lãm các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); tham gia ký kết thúc đẩy thương mại với các tỉnh, thành phố trong vùng và doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước.

6 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 83.383 tỷ đồng, tăng 9,69% so cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, trong 6 tháng, toàn tỉnh đón khoảng 5,2 triệu lượt khách tham quan, du lịch (tăng 60% so cùng kỳ và đạt 113% kế hoạch năm 2022). Xuất khẩu cũng được tỉnh đẩy mạnh khi kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt trên 564 triệu USD (tăng 9,58% so cùng kỳ)...

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình biểu dương sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 6 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển KTXH năm 2022 do Chính phủ và HĐND tỉnh giao.

“Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và diễn biến tình hình thực tế, các sở, ngành, địa phương cần rà soát, bổ sung các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, chuẩn bị chu đáo nội dung phục vụ kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra giữa tháng 7/2022, phải nghiêm túc trả lời đầy đủ các kiến nghị và những vấn đề cử tri quan tâm. Đặc biệt, cần tập trung tổ chức tốt 2 sự kiện quan trọng là Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang và Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2022”- Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình giao Sở KH&ĐT khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Quy hoạch tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển lâu dài, tạo điều kiện thu hút đầu tư và các nguồn lực cho sự phát triển của An Giang,

NGÔ CHUẨN