An Giang tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch

07/03/2022 - 03:42

 - Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp để phòng, chống dịch hiệu quả là yêu cầu đặt ra của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang đối với các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Các cuộc họp đều áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Các lễ hội mùa xuân vẫn đang được tổ chức theo thông lệ. Vì thế, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, đặc biệt là bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Trong lễ hội tại địa phương (như: Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam, các lễ hội tôn giáo, dân tộc), Chủ tịch UBND cấp huyện tăng cường phòng, chống dịch bệnh theo quy định; không lơ là, chủ quan; phải chủ động xây dựng kịch bản, phương án mở cửa đối với hoạt động du lịch (DL), cùng các hoạt động khác trên tinh thần “thích ứng, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.

Ban Quản lý các khu di tích, Bảo tàng tỉnh, ban tổ chức lễ hội, đơn vị kinh doanh DL khu, điểm DL, xây dựng và thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn phòng, chống dịch bệnh cho du khách; chỉ đón khách khi có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Cơ sở lưu trú DL đăng ký, tự đánh giá an toàn COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Kịp thời khai báo đến các cơ quan chức năng khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19, phối hợp y tế địa phương để có hướng dẫn và xử trí theo quy định.

Sở Y tế An Giang chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát và phát hiện sớm nhất ca bệnh COVID-19, đặc biệt là biến chủng Omicron xuất hiện trên địa bàn tỉnh, để có biện pháp xử trí kịp thời đúng quy định. UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể phối hợp ngành y tế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và tuyên truyền về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; phát hiện sớm ca bệnh COVID-19 trên địa bàn và xử trí ổ dịch kịp thời.

Bà Trần Thị Thanh Hằng (tiểu thương chợ Châu Đốc, tỉnh An Giang) chia sẻ, từ khi điều kiện đi lại, mua bán được nới lỏng hơn so với trước, mọi người rất vui mừng. Hàng hóa bắt đầu bán lại được, lượng khách đi viếng Bà Chúa xứ núi Sam ngày càng đông. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, bà cũng vô cùng lo lắng. “Bản thân tôi đã vận động các thành viên trong gia đình cùng nhau thực hiện tốt thông điệp “5K”, cài đặt ứng dụng PC-COVID, không thể chủ quan vì du khách càng đông, mình tiếp xúc nhiều thì nguy cơ lây nhiễm càng cao” - bà Hằng chia sẻ thêm.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, ngoài các yêu cầu nêu trên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh còn yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân tiếp tục sử dụng nền tảng công nghệ để thực hiện “mục tiêu kép”. Cụ thể gồm ứng dụng PC-COVID; nền tảng tiêm chủng, trả kết quả xét nghiệm trực tuyến; nền tảng lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm COVID-19…

Ngoài ra, khuyến cáo đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp sử dụng thêm các nền tảng công nghệ khác, như: Hệ thống hỗ trợ “Khám chữa bệnh từ xa” và “Hệ thống hội chẩn từ xa”; thanh toán không dùng tiền mặt… Đặc biệt, tiếp tục cài đặt, sử dụng ứng dụng PC-COVID trong phòng, chống dịch, bởi đây là ứng dụng có nhiều tính năng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của quốc gia.

“Ứng dụng PC-COVID có các tính năng chính, như: Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm, quét mã QR, khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa, phản ánh của người dân, thông tin tiêm vaccine, thông tin xét nghiệm, thẻ thông tin COVID-19, truy vết tiếp xúc gần, mật độ di chuyển, xu hướng lây nhiễm, bản đồ nguy cơ…  Cơ quan chủ trì là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và Bộ Công an. Đây là ứng dụng được yêu cầu cài đặt để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất” - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Hải cho biết.


MINH HIỂN