An Giang - truyền thống 190 năm và tầm nhìn trên đường phát triển

22/11/2022 - 06:58

 - Nằm ở hạ nguồn sông Mekong, thượng nguồn dòng Cửu Long, giáp Vương quốc Campuchia, An Giang là tỉnh có địa chính trị, địa kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh quan trọng. Với bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, trải qua 190 năm hình thành và phát triển (1832-2022), qua nhiều thăng trầm lịch sử, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân An Giang luôn phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng đổi mới, sáng tạo, xây dựng tỉnh biên giới Tây Nam Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên. Ảnh: TRUNG HIẾU

Lược sử hình thành

Vào năm Đinh Sửu (1757), Nặc Tôn Quốc vương Chân Lạp đã dâng đất Tầm Phong Long (vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, ngày nay có một phần thuộc tỉnh An Giang) cho chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát giúp giành lại vương triều.

Sau khi tiếp nhận, chúa Nguyễn đã nhập đất Tầm Phong Long vào dinh Long Hồ, đặt thành 3 đạo, gồm: Xứ Sa Đéc - đặt làm đạo Đông Khẩu, xứ cù lao Giêng - đặt làm đạo Tân Châu và xứ Châu Đốc - đặt làm đạo Châu Đốc, rồi lấy binh dinh Long Hồ trấn giữ nơi địa đầu trọng yếu này. Cũng từ năm 1757, vùng đất sau cùng của Nam Bộ (một phần là An Giang ngày nay) trở thành bộ phận không thể chia cắt của nước Việt Nam về mặt pháp lý.

Năm 1780, chúa Nguyễn Ánh cải tên dinh Long Hồ thành dinh Vĩnh Trấn, sau đó đổi thành dinh Trấn Vĩnh. Sau khi thống nhất đất nước, năm 1808, vua Gia Long lập Gia Định thành trên vùng đất Nam Bộ, chia thành ngũ trấn: Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Trấn Vĩnh Thanh khi đó bao gồm 2 tỉnh Vĩnh Long và An Giang, là vùng biên giới tiếp giáp Vương quốc Chân Lạp, giao thương rất khó khăn. Vì thế, vua Gia Long, sau đó là vua Minh Mạng (Minh Mệnh) đã cho đào kinh Thoại Hà, kinh Vĩnh Tế để thuận tiện trong giao thương, phòng thủ biên giới.

Sách “Đại Nam thực lục chính biên” ghi nhận vào ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832), năm Minh Mệnh thứ 13, trong buổi thiết triều, sau khi nghe Bộ Lại trình tấu, vua Minh Mạng đã chỉ dụ bãi bỏ Gia Định Thành, đổi “ngũ trấn” thành “lục tỉnh”, quyết định thành lập 12 tỉnh từ Quảng Nam đến Hà Tiên cùng thời điểm, trong đó có tỉnh An Giang. Đối chiếu với lịch vạn niên, ngày mùng 1 tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832) nhằm ngày 22/11/1832 (dương lịch). Với ý nghĩa là vùng đất có những dòng sông hiền hòa và an bình, tên gọi An Giang ra đời vào năm 1832.

Truyền thống yêu nước, kiên cường chống ngoại xâm

Năm 1833, quân Xiêm tấn công Hà Tiên, ngược dòng lên Châu Đốc, tàn phá dọc kinh Vĩnh Tế và Tân Châu. Quân triều đình và người dân đã anh dũng chiến đấu, đánh thắng địch trên sông Vàm Nao. Năm 1842, quân Xiêm lại đánh phá dọc kinh Vĩnh Tế, Bảy Núi. Quân triều đình do Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương chỉ huy kết hợp cùng nhân dân An Giang đánh tan địch ở Bảy Núi, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.

Ngày 22/6/1867, thực dân Pháp chiếm thành Châu Đốc, nhân dân An Giang tiếp tục đứng lên đấu tranh chống quân xâm lược. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra, như: Khởi nghĩa của Trần Văn Thành, Ngô Lợi, Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí… Tuy nhiên, các cuộc đấu tranh đều bị thực dân Pháp đàn áp, thất bại do không có đường lối đúng đắn, chưa tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân.

Giai đoạn 1924 - 1926, dưới tác động của phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, đòi thả Nguyễn An Ninh… những luồng tư tưởng tiến bộ thâm nhập vào An Giang, thúc đẩy các phong trào yêu nước phát triển, bắt đầu đón nhận những hạt giống đỏ cách mạng. Tháng 2/1928, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Long Xuyên được thành lập, đồng chí Châu Văn Liêm được chỉ định làm Bí thư.

Cuối tháng 3/1930, Ban Chấp ủy lâm thời tỉnh Long Xuyên ra đời, tiến hành xây dựng các chi bộ Đảng, lấy Chợ Mới làm trung tâm phát triển tổ chức. Đầu tháng 4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của Long Xuyên, Châu Đốc được thành lập ở Long Điền (huyện Chợ Mới).

Từ cuối tháng 4/1930, hạt giống cách mạng được nhân rộng khắp nơi với nhiều chi bộ Đảng được hình thành. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ trong 7 ngày (từ ngày 22 đến 28/8/1945), nhân dân Long Xuyên, Châu Đốc đã giành chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh đổ ách áp bức, thống trị của bọn thực dân, phong kiến.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn Gia Định, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta lần thứ 2. Ngày 3/2/1946, quân Pháp tái chiếm toàn bộ 2 tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc. Cùng với cả nước, quân và dân trong tỉnh đã nhất tề đứng lên chống giặc ngoại xâm. Phong trào kháng chiến bùng lên mạnh mẽ với nhiều xã chiến đấu được thành lập dọc 2 bờ sông Tiền, sông Hậu. Nhân dân An Giang đã anh dũng chiến đấu, góp phần ngăn chặn âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân Pháp, cùng cả nước trường kỳ kháng chiến và giành thắng lợi vang dội trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Trong suốt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân An Giang kiên cường bám đất, giữ làng, đánh bại các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, cùng với cả nước Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm ở một địa bàn biên giới, dân tộc, tôn giáo rất phức tạp như An Giang đã mang lại nhiều ý nghĩa và kinh nghiệm quý báu. Qua đó, khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ cũng như truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của quân và dân tỉnh nhà.

Tháng 2/1976, thực hiện Nghị quyết 19/NQ, ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tỉnh An Giang được tái lập (gồm 8 huyện: Châu Thành, Huệ Đức, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Phú Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên và 2 thị xã Long Xuyên, Châu Đốc, với 124 xã, phường, thị trấn). Đảng bộ và nhân dân An Giang bắt tay khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, dồn sức khôi phục, phát triển sản xuất, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng lại quê hương.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari đã mở hàng loạt cuộc đánh chiếm trực tiếp 20 xã biên giới ở tỉnh An Giang, gây ra chiến tranh biên giới Tây Nam, san bằng thị trấn Tịnh Biên, pháo kích 10 xã, trong đó, thị xã Châu Đốc bị thiệt hại nặng nề nhất.

Ngày 1/1/1979, quân ta tổng phản công, đến ngày 7/1/1979 giúp nước bạn giải phóng tỉnh Kandal và Takeo. Sau khi đất nước Campuchia được giải phóng, An Giang đã thành lập các đoàn chuyên gia sang giúp tỉnh Takeo truy quét tàn quân Pôn Pốt, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, chính quyền các cấp, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân nước bạn; tổ chức cho cán bộ, nhân dân, trẻ em được học hành.

Lãnh đạo tỉnh An Giang và các cán bộ chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Trung ương

Ảnh: THU THẢO

Năng động, sáng tạo, đột phá trong sản xuất nông nghiệp

Chiến tranh bảo vệ biên giới kết thúc, tỉnh An Giang đối mặt với nhiều khó khăn, như: Tháo gỡ bom, mìn; phục hóa những vùng đất bỏ hoang; xây dựng lại nhà cửa, trường học, trạm y tế… phát triển nông nghiệp, ổn định cuộc sống người dân. Năm 1980, Tỉnh ủy An Giang có chủ trương sáng tạo, phù hợp lợi ích của người dân là thực hiện cơ chế giá trong mua bán sản phẩm nông nghiệp. Qua thực tế thị trường, tỉnh điều chỉnh chủ trương “mua cao bán cao” thành “mua đúng bán đúng”.

Sau đó, thực hiện Chỉ thị 100-CT/TW, ngày 13/1/1981, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng”, “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”, tỉnh chủ trương đưa đất về hộ nông dân, biến “hộ nông dân thành hộ sản xuất cơ bản”.

Những chủ trương, chính sách trên đã giúp giải phóng sức sản xuất, tạo bước ngoặt quan trọng cho sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới. An Giang từ vùng đất còn nhiều hoang hóa, thiếu đói đã nhanh chóng phục hồi, phát triển; nông dân bội thu trong sản xuất, đời sống nâng lên rõ rệt.

Trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng quy luật khách quan, Đảng bộ, chính quyền tỉnh An Giang xác định nông nghiệp là nền tảng, là mặt trận hàng đầu; nông dân là chủ thể của quá trình đổi mới, nông thôn là địa bàn chiến lược. Thực tiễn chứng minh “Chính sách tam nông” của Trung ương mà An Giang thực hiện đã giải quyết đồng bộ, hiệu quả các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là nông dân.

Trong đó, nổi bật là một số chủ trương sáng tạo, đột phá, như: Đẩy mạnh đầu tư vào thủy lợi, chuyển đổi từ lúa mùa 1 vụ sang lúa thần nông 2 vụ/năm, 3 vụ/năm (thời gian canh tác ngắn và năng suất cao hơn); xóa bỏ các trạm “ngăn sông cấm chợ”; chương trình khai thác vùng Tứ giác Long Xuyên (năm 1988); chương trình khuyến nông (năm 1989); chương trình phát triển nông thôn (năm 1992); chương trình khuyến công (năm 1996); chương trình khai thác lợi ích từ các công trình thoát lũ ra biển Tây; xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ; chương trình trồng và bảo vệ rừng; chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình “Cánh đồng lớn”…

Chính những chủ trương, chính sách linh hoạt, đúng đắn, sáng tạo, mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của tỉnh đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội (KTXH) phát triển nhanh; đời sống người dân ngày càng cải thiện. Từ tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực, đến năm 1988, sản lượng lúa của An Giang vượt qua mức 1 triệu tấn; đến năm 1994, vượt mức 2 triệu tấn; năm 2000, đạt 2,5 triệu tấn và hiện nay, đạt trên 4 triệu tấn. An Giang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực, trung bình mỗi năm xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo.

Sau thời gian phát triển mạnh mẽ, ngành nông nghiệp An Giang bộc lộ hạn chế về tính bền vững và suy giảm tốc độ tăng trưởng, do phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, khai thác tài nguyên thiên nhiên và lao động trình độ thấp. Hệ quả là từ năm 2012 trở đi, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh thấp hơn mức tăng trưởng bình quân chung của vùng ĐBSCL và cả nước.

Để tìm hướng phát triển mới, Tỉnh ủy An Giang đề ra chủ trương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ gắn với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị làm nền tảng để cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Năm 2012, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả rõ nét, như: Trồng lúa chất lượng cao, sản xuất rau màu trong nhà lưới, mô hình trồng nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học, sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao… Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng và khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế, nhất là trong những giai đoạn khó khăn.

Ngoài sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản, những năm gần đây, An Giang thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển cây ăn trái, rau màu theo hướng chuyên canh để tăng giá trị và hiệu quả kinh tế. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn, như: Trái cây (huyện Tri Tôn, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú), rau màu (huyện Châu Phú, Chợ Mới, An Phú, TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc), lúa nếp (huyện Phú Tân, Châu Phú) gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, bảo đảm chất lượng và nhu cầu thị trường.

Với quyết tâm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch và con người An Giang; tăng cường liên kết vùng, trong và ngoài nước nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch, tỉnh đã tập trung triển khai Chương trình phát triển hạ tầng du lịch, ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch; mời gọi nhiều nhà đầu tư vào các khu du lịch: Núi Sam, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư... góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng số lượng du khách và doanh thu dịch vụ. Hoạt động kết nối tour tuyến, công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch, văn hóa và con người An Giang được chú trọng, ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Với sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện.

Trong giai đoạn 2000 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức bình quân 7,3%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (6,4%/năm); GRDP bình quân đầu người từ 0,65 triệu đồng/năm (1990) tăng lên 15,8 triệu đồng/năm (2010) và 48,9 triệu đồng/năm (2021); tỷ lệ hộ nghèo từ 7,84% (2011) giảm còn 1,93% (2020)… Sản xuất - kinh doanh phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, nông thôn từng bước đổi mới, nội bộ đoàn kết thống nhất, quốc phòng - an ninh được đảm bảo.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm gia đình chính sách ở TP. Long Xuyên. Ảnh: TRUNG HIẾU

Hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2050

Bên cạnh những thành tựu đạt được, An Giang còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Các chỉ tiêu KTXH quan trọng nhiều năm chỉ đạt mức trung bình, tỉnh vừa phải tập trung phát triển nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, vừa phát triển nhanh để theo kịp trình độ phát triển chung cả nước. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; ứng dụng khoa học - công nghệ chưa tạo nhiều động lực cho tăng trưởng kinh tế; quy mô nông nghiệp vẫn còn manh mún; công nghiệp chậm phát triển; du lịch tuy có khởi sắc nhưng chưa đủ sức trở thành mũi nhọn của nền kinh tế; kết cấu hạ tầng KTXH, nhất là giao thông, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn…

Để phát huy những thành tựu đạt được, sớm vượt qua những khó khăn, thách thức, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu tổng quát là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, kỷ cương; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng - an ninh. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước”.

Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2030 phấn đấu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; kinh tế phát triển năng động, hài hòa, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; không gian KTXH được tổ chức hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại và du lịch; hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH, hạ tầng số đồng bộ, tích hợp, hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và đời sống mọi mặt của nhân dân không ngừng được nâng cao; an sinh và phúc lợi xã hội được đảm bảo, từng bước cải thiện; các giá trị văn hóa truyền thống, tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được gìn giữ, bảo tồn và phát huy; chất lượng môi trường được đảm bảo; tiềm lực quốc phòng được củng cố, khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; chính trị ổn định; an ninh trật tự được đảm bảo.

Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang đề ra mục tiêu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao; là điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách từ mọi miền đất nước; có kết cấu hạ tầng KTXH đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng ĐBSCL, các nước lân cận trong khu vực ASEAN và quốc tế.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: TRUNG HIẾU

An Giang cũng hướng đến là thủ phủ của ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tinh của cả nước; là đích đến của các nhà đầu tư sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, chế biến thực phẩm lớn của thế giới; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN. An Giang phấn đấu là địa phương gìn giữ và phát huy tốt các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, đa dạng sinh học, phát triển bền vững mô hình kết hợp giữa du lịch tâm linh, du lịch sinh thái với thương mại hàng hóa, dịch vụ đặc trưng của địa phương. Quốc phòng và an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Đặc biệt, Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định phát triển tỉnh An Giang trở thành trung tâm đầu mối nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo. 

An Giang là vùng đất địa linh nhân kiệt - là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, nơi khởi nguồn của Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer… cùng chung sống hòa thuận lâu đời, cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú với 88 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Khu di tích khảo cổ Óc Eo), 28 di tích cấp quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh. An Giang còn vinh dự, tự hào là quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nơi có dãy Thất Sơn hùng vĩ, tỉnh đầu nguồn của dòng Cửu Long cuồn cuộn đổ về Đông.

Với bề dày lịch sử - văn hóa, truyền thống cách mạng kiên cường, suốt chặng đường lịch sử 190 năm hình thành và phát triển, con người An Giang có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động; đoàn kết, nhân ái, giản dị, thủy chung trong cuộc sống. Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang đạt được trong thời gian qua là kết tinh của truyền thống đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, trong chặng đường phát triển mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang tiếp tục phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm xây dựng quê hương Bác Tôn ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

H.K

___________

(*) TS. Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang.