An Giang tự hào truyền thống, hướng đến tương lai

23/01/2023 - 20:22

 - An Giang là tỉnh có vị trí khá đặc biệt ở vùng ĐBSCL: Vừa có núi cao, sông rộng, vừa có đồng bằng phì nhiêu, lại có tuyến biên giới dài gần 100km giáp Vương quốc Campuchia, đa dân tộc, đa tôn giáo... An Giang có nhiều đóng góp trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nam Bộ; đột phá, sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Tự hào quá khứ, An Giang lấy cột mốc 190 năm thành lập tỉnh (22/11/1832 – 22/11/2022) làm động lực để hướng tới mục tiêu nằm trong nhóm phát triển khá của cả nước.

Tự hào An Giang

Theo Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang Đặng Hoài Dũng, năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu (Đàng trong) sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Đồng Nai, lập huyện Phước Long với dinh Trấn Biên và huyện Tân Bình với dinh Phiên Trấn, đặt phủ Gia Định. Từ đây, quá trình khai phá Nam Bộ được đẩy mạnh. Đầu thế kỷ XVIII, sau khi Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên, xin thần phục chúa Nguyễn và được phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên, dân cư đến lập nghiệp ở vùng đất mới ngày càng nhiều.

Năm 1757, chúa Nguyễn đưa Nặc Tôn lên ngôi vua ở Vương quốc Chân Lạp, Nặc Tôn cắt đất Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn để đền ơn. Từ đây, đạo Châu Đốc, đạo Tân Châu (cù lao Giêng - huyện Chợ Mới ngày nay) và đạo Đông Khẩu (Sa Đéc) được xác lập để bảo vệ vùng biên giới, vùng đất An Giang được khai mở rộng hơn, đóng góp quan trọng vào lịch sử phát triển của vùng đất Nam Bộ. Đặc biệt, với vai trò của Thoại Ngọc Hầu trong khẩn hoang, lập làng, chỉ huy đào kênh Thoại Hà, kênh Vĩnh Tế, để lại những công trình chiến lược, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của vùng đất mới và bảo vệ ổn định biên cương cho đến ngày nay.

An Giang nằm ở vị trí địa đầu biên giới Tây Nam của Tổ quốc, có đường biên giới dài gần 100km giáp Campuchia; có địa chính trị, địa kinh tế, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh quan trọng. Với diện tích rộng (3.536km2), dân số lớn nhất khu vực ĐBSCL và thứ 8 cả nước (hơn 1,9 triệu người) cùng nhiều tiềm năng, lợi thế, An Giang đang đứng trước vận hội phát triển mới.

Chiến đấu anh hùng, quyết liệt đổi mới

Suốt chiều dài lịch sử khai phá vùng đất An Giang, từ buổi đầu mở mang bờ cõi, đến nay An Giang là vùng đất biên thùy trọng yếu phía Tây Nam của Tổ quốc. Quá trình khẩn hoang, khai phá vùng đất này gắn liền các cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược. Trong từng thời kỳ lịch sử, quân và dân An Giang luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, đồng lòng khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, cùng nhau chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Vào các năm 1833 và 1842, quân và dân An Giang góp công chiến đấu tiêu diệt quân Xiêm xâm lược. Ngày 22/6/1867, thực dân Pháp chiếm thành Châu Đốc, nhân dân An Giang tiếp tục đứng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Vùng đất An Giang là một trong những cái nôi của cách mạng. Tháng 2/1928, Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tỉnh Long Xuyên được thành lập. Đầu tháng 4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của Long Xuyên, Châu Đốc được thành lập ở Long Điền (Chợ Mới).

An Giang đóng góp tích cực vào thành công của Cách mạng Tháng Tám (1945); đánh đuổi thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam (1945-1954); phát huy địa bàn chiến lược Tây Nam, hy sinh sức người, sức của suốt 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975; bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng Pol Pot.

Sau khi cùng cả nước giành lại độc lập, tự do, An Giang đối mặt với những thách thức do hậu quả chiến tranh, sai lầm của cơ chế bao cấp khiến đất đai hoang hóa, đời sống người dân rất khó khăn. Những chủ trương, chính sách đột phá, “xé rào” của lãnh đạo tỉnh ngay từ trước thời kỳ đổi mới và quyết liệt hơn khi bước vào đổi mới đã giúp giải phóng sức sản xuất, tạo bước ngoặt quan trọng cho sản xuất nông nghiệp. Đảng bộ, chính quyền tỉnh An Giang xác định nông nghiệp là nền tảng, là mặt trận hàng đầu; nông dân là chủ thể của quá trình đổi mới; nông thôn là địa bàn chiến lược.

Thực tiễn chứng minh, chính sách “tam nông” đã giải quyết đồng bộ, hiệu quả các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định: “Chính những chủ trương, chính sách linh hoạt, đúng đắn, sáng tạo, mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của An Giang đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Từ tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực, đến năm 1988, sản lượng lúa của An Giang vượt qua mức 1 triệu tấn; năm 1994 vượt mức 2 triệu tấn và hiện nay đạt trên 4 triệu tấn. An Giang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực, trung bình mỗi năm xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước” .

“Đảng bộ, chính quyền, nhân dân An Giang sẽ tiếp tục phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước; đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn. Từ đó, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng văn minh, giàu đẹp; xứng đáng với công sức khai mở, vun bồi của những bậc tiền nhân” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Phát triển xứng danh

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, với sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện. Kết quả đó đã được Đảng và nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

“Đây là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ lãnh đạo, đồng bào và nhân dân trong tỉnh, sẽ là điểm tựa, niềm tin vững chắc để An Giang tiếp tục vững bước đi lên, giành nhiều thắng lợi hơn nữa trong thời gian tới” - ông Bình khẳng định.

Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2030, phấn đấu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; kinh tế phát triển năng động, hài hòa, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế... Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao...

HOÀNG XUÂN