An Giang với chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

06/03/2024 - 05:19

 - Năm 2024, An Giang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, hiện đại, tự động hóa, công nghệ số… từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến, vật liệu mới, năng lượng, công nghệ sinh học, y tế, giáo dục... Đồng thời, nâng cao hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), gắn với sản xuất và đời sống; góp phần tạo chuyển biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.

Chiến lược phát triển

An Giang xác định lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm của hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo; tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, tổ chức hoạt động KH&CN... Thúc đẩy hình thành và phát triển hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hình thành các vườn ươm DN KH&CN, các khu sản xuất thử nghiệm từ các khởi nghiệp... Quan tâm bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức KH&CN. Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cung cấp được luận cứ khoa học phục vụ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh.

Nhiều nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, để thực hiện đạt mục tiêu chiến lược, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN;  hỗ trợ, theo dõi tiến độ thực hiện các dự án, nhiệm vụ KH&CN; phát triển tiềm lực và thị trường KH&CN. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến KH&CN; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đào tạo, bồi dưỡng, ươm tạo về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tiếp nhận và hỗ trợ phát triển ý tưởng khởi nghiệp, kết quả nhiệm vụ KH&CN, sản phẩm, dự án, giải pháp đổi mới sáng tạo. Nâng cao năng lực vận hành Sàn giao dịch công nghệ (ATTE) tỉnh. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân, DN khởi nghiệp tham gia các sự kiện trong nước, quốc tế.

Đầu tư cho khoa học và công nghệ

Thời gian qua, hoạt động KH&CN phục vụ hiệu quả cho sự phát triển KTXH của tỉnh, tạo bước chuyển biến đáng kể, thu hút nguồn lực xã hội tham gia hoạt động nghiên cứu; đa dạng hóa sản phẩm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, thúc đẩy nhanh việc ứng dụng và chuyển giao KH&CN trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Năm 2023, tỉnh chi ngân sách 62 tỷ đồng cho sự nghiệp và đầu tư KH&CN. Đến nay, tỉnh có 48 tổ chức hoạt động KH&CN, 5 DN KH&CN. Nhân lực KH&CN của tỉnh có khoảng 1.930 người (23 tiến sĩ, 295 thạc sĩ...). Năm 2023, tỉnh đã phê duyệt, hỗ trợ triển khai thực hiện 21 đề tài nghiên cứu KH&CN với tổng kinh phí 8,75 tỷ đồng. Các đề tài, nhiệm vụ tập trung nghiên cứu các loại giống cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương, như: Lúa, cây ăn trái (xoài, nhãn…), rau màu, thủy sản… Nghiên cứu đánh giá chất lượng nguồn nước, ứng dụng công nghệ ảnh viễn thám đánh giá chất lượng đất phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho các tiểu vùng sản xuất lúa kém hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức người dân trong ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản; thay đổi tập quán canh tác hướng đến sản xuất hàng hóa an toàn, chất lượng cao.

Nhiều giải pháp hiệu quả

Một số kết quả nổi bật như “Nghiên cứu xây dựng quy trình ương cá tra nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng con giống quy mô hàng hóa”, do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II chủ trì. Kết quả đề tài đã xây dựng được quy trình ương cá tra giai đoạn bột với tỷ lệ sống từ cá bột lên hương đạt 50,4%; kích cỡ cá đồng đều ≥ 80%, cá hương khỏe mạnh, không nhiễm nội ngoại ký sinh trùng, xuất huyết hay gan thận mủ; xây dựng được quy trình ương cá tra giống trong công nghệ tuần hoàn giai đoạn hương lên giống với tỷ lệ sống 99,5%; khối lượng trung bình 26,96gr/con và kích cỡ cá đồng đều ≥ 80%... Kết quả đề tài là cơ sở khoa học quan trọng nâng cao chất lượng, tỷ lệ sống trong ương cá tra giống; thúc đẩy, phát triển bền vững ngành hàng cá tra của tỉnh và ĐBSCL.

Dự án “Nghiên cứu xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo An Giang tại huyện Châu Phú”, do Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL chủ trì, ThS. Nguyễn Trọng Phước làm chủ nhiệm. Đề tài thực hiện nhằm lựa chọn được 2 giống lúa đặc thù (An Giang được sử dụng độc quyền khai thác, sản xuất - kinh doanh) cho gieo trồng tại vùng nguyên liệu; đào tạo, nâng cao năng lực hướng đến phát triển vùng nguyên liệu. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa quy mô 100ha ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đồng nhất, đồng chất, liên kết DN tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn

Tỉnh đã hỗ trợ thực hiện 5 dự án ứng dụng, đổi mới công nghệ với tổng kinh phí 6,55 tỷ đồng phục vụ phát triển KTXH. Một số kết quả nổi bật, như: Dự án “Hỗ trợ công nhận lưu hành giống lúa được chọn tạo ở tỉnh An Giang”, do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì. Đến nay, dự án đã triển khai các khảo nghiệm, sản xuất thử 5 giống lúa triển vọng và đã được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ 2 giống lúa AG1 và HNOE1 và công nhận lưu hành giống lúa AG1. Đây là giống có nhiều triển vọng, năng suất cao, ngắn ngày, cứng cây, kháng bệnh cháy lá, chịu phèn, mặn, phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu, có triển vọng thương mại và xuất khẩu.

Dự án “Ứng dụng thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Hợp tác xã nông nghiệp Sơn Hòa”, giúp tăng công suất phun xịt thuốc bảo vệ thực vật gấp 44 lần, rải phân tăng gấp 6,78 lần, sạ lúa tăng gấp 3,13 lần so phương pháp truyền thống. Trong khi năng suất lúa vẫn duy trì ở mức tương đương hoặc cao hơn...

Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, các đề tài, dự án hỗ trợ DN đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sản phẩm mới, tăng khả năng cạnh tranh, từng bước đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. 100% các nhiệm vụ KH&CN thuộc lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, nông nghiệp, y dược đều có kết quả, được áp dụng vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất và đời sống; không còn đề tài, dự án mang tính lý thuyết, xa rời thực tiễn, “nghiên cứu bỏ tủ”.

HẠNH CHÂU