Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên tiêu hay Tết Thượng nguyên, để phân biệt với Tết Trung nguyên (rằm tháng 7) và Hạ nguyên (rằm tháng 10). Dân gian có câu nói: “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”, vì quan niệm đây là thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm.
Trọng tâm của rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng cho mỗi người và đất nước.
Vì thế, đông đảo mọi người thường đến chùa, lễ Phật, cầu nguyện, xin lộc, gửi gắm những mong ước trong cuộc sống.
Đồng thời, làm các việc thiện, ăn chay…, với tâm nguyện hướng đến những giá trị tốt lành, tạo duyên cho cuộc sống thuận hòa, bình an.
Lễ chùa những ngày này còn là dịp để mọi người thưởng thức những món chay thanh đạm, nhưng rất hấp dẫn do chùa thết đãi khách thập phương.
Sau Tết Nguyên đán, thị trường hoa, trái cây bán rằm tháng Giêng sôi động không kém, các khu chợ luôn náo nhiệt không khí mua bán.
Nhu cầu ăn chay của người dân tăng mạnh, thực phẩm chay nói chung và các món chay chế biến sẵn luôn thường trực từ chợ đến quán ăn.
Dù ngày nay, trong nếp sinh hoạt có bồi đắp thêm những điều mới, thì Tết Nguyên tiêu vẫn vẹn nguyên giá trị, là ngày sinh hoạt văn hóa truyền thống đậm nét nhân văn của dân tộc.
MỸ HẠNH