An Phú đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống

28/10/2020 - 06:16

 - An Phú (An Giang) là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh và khu vực, là cửa ngõ kết nối giao thương với Campuchia. Cùng với những chủ trương đầu tư của tỉnh, hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện hơn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững quốc phòng - an ninh. Đây là nền tảng quan trọng để An Phú khẳng định vị thế phát triển trong thời gian tới.

Ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020-2025), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện An Phú xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện nghị quyết. Trong đó, tập trung 3 khâu đột phá, 13 chỉ tiêu và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu 5 năm tới: kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, là nền tảng, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, dịch vụ và kinh tế biên giới phát triển. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/năm; thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 2 xã đạt chuẩn “NTM nâng cao”… và giữ vững quốc phòng - an ninh.

Xác định kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, huyện tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất phù hợp. Phát huy kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi và lợi thế về nguồn nước để bố trí cây trồng, vật nuôi, phát triển thủy sản. Tổ chức lại sản xuất theo hướng thích nghi với biến đổi khí hậu, liên kết, hợp tác trong quá trình sản xuất, gắn với thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất cho doanh nghiệp và nông dân. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm nông nghiệp bình quân 196 triệu đồng/ha.

An Phú tập trung 3 khâu đột phá, 13 chỉ tiêu và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phát triển địa phương. Ảnh: HỮU HUYNH

Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp cho biết, An Phú tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả, nhất là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 24-KH/HU của Huyện ủy; xây dựng thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của huyện. Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã. Phối hợp triển khai các dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn (dự án WB9: tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước vùng thượng nguồn sông Cửu Long). Tiếp tục duy trì và nâng chất các tiêu chí trong xây dựng NTM ở các xã; phấn đấu đến năm 2025, xây dựng thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; các xã còn lại đạt từ 15-18 tiêu chí.

Huyện còn triển khai thực hiện đạt hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Chú trọng thu hút đầu tư, tranh thủ các nguồn lực phát triển công nghiệp chế biến, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ trên địa bàn. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ sở phát triển sản xuất. Tập trung khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế kinh tế biên giới, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để xuất khẩu sang thị trường Campuchia và các nước ASEAN; mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, vật liệu xây dựng để xuất khẩu.

Đồng thời, phát huy lợi thế là địa bàn tiếp giáp với TP. Châu Đốc - một địa bàn có lợi thế trọng điểm về phát triển thương mại và dịch vụ. Thực hiện đạt hiệu quả công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách. Tiếp tục huy động và sử dụng đạt hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức cho biết, địa phương xác định nhiệm vụ hàng đầu là bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh biên giới và không ngừng nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện xác định lộ trình, bước đi phù hợp, cùng với việc tranh thủ, huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, hiện đại hóa đô thị và nông thôn.

Tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xem đây là nhân tố quyết định sự thành công của sự phát triển địa phương. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, sức chiến đấu cao, đủ sức lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh đoàn kết của các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp trong xã hội tham gia thực hiện các chủ trương, quyết sách quan trọng của huyện và tỉnh.

Huyện An Phú tập trung giải pháp đảm bảo sản xuất, mở rộng mô hình sản xuất hiệu quả và tăng cường xây dựng NTM. Chú trọng quản lý xây dựng và quy hoạch nông nghiệp, kêu gọi đầu tư, thực hiện tốt các chính sách về tôn giáo, dân tộc… Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, như: Tỉnh lộ 957, dự án WB9, cầu An Phú - Vĩnh Lộc, nạo vét thông luồng sông Hậu; tăng cường quản lý về trật tự xây dựng, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường. Thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế học sinh bỏ học; chủ động phòng, chống lụt bão, đảm bảo an toàn trong mùa nước nổi. Tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, thực hiện nghiêm công tác tấn công trấn áp tội phạm, giữ vững quốc phòng - an ninh và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19…

HỮU HUYNH