An Phú gắn công tác xây dựng Đảng với phát triển kinh tế

26/09/2019 - 07:30

 - Đảng bộ huyện An Phú xác định mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Huyện tập trung phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển KTXH.

An Phú gắn công tác xây dựng Đảng với phát triển kinh tế

Hội chợ thương mại Quốc tế An Phú - An Giang năm 2019 có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Campuchia. Ảnh: HỮU HUYNH

Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức cho biết, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào, hoạt động KTXH của địa phương không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển, giao thương và hội nhập. Huyện An Phú sẽ tập trung các nguồn lực, phấn đấu đến cuối năm sẽ công nhận thêm xã Khánh Bình hoàn thành chương trình xây dựng xã nông thôn mới thứ 3 của huyện.

Có thể thấy, thành công lớn nhất từ đổi mới trong công tác lãnh đạo, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với cách làm hiệu quả, thiết thực trong triển khai các chủ trương, chính sách đã góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với phong trào thi đua yêu nước được nhân dân đồng tình hưởng ứng, qua đó đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Với lợi thế là huyện biên giới, An Phú tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh thông qua hoạt động thương mại - dịch vụ, giao thương hàng hóa. Đặc biệt, khi đưa vào khai thác cầu Long Bình - Chrey Thom đã tạo điều kiện giao thương cho khu vực cửa khẩu Khánh Bình, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội cho nhân dân 2 tỉnh An Giang (Việt Nam) và Kandal (Campuchia). Từ đầu năm đến nay, doanh số toàn ngành thương mại - dịch vụ huyện An Phú đạt 6.500 tỷ đồng (tổng mức bán lẻ 1.810 tỷ đồng, dịch vụ ăn uống, lưu trú 405 tỷ đồng), so cùng kỳ tăng 1,15%. Doanh thu hàng hóa xuất, nhập khẩu ước đạt 310 triệu USD, tăng trên 5% so cùng kỳ. Đặc biệt, phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh tổ chức thành công Hội chợ thương mại quốc tế An Phú - An Giang năm 2019 diễn ra từ ngày 28-8 đến 2-9 với 240 gian hàng trưng bày, doanh thu khoảng 6 tỷ đồng, thu hút hơn 50.000 lượt khách mua sắm, trong đó 5.000 lượt khách đến từ Vương quốc Campuchia.

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 466,5 tỷ đồng. Toàn huyện có 970 cơ sở sản xuất - kinh doanh với tổng vốn đầu tư trên 49 tỷ đồng, có 2.111 lao động tham gia (10 doanh nghiệp tư nhân). Toàn huyện có 128 danh mục công trình đầu tư xây dựng theo kế hoạch vốn là 154,2 tỷ đồng, đã triển khai thi công hoàn thành 74 danh mục, đang thực hiện 35 danh mục và triển khai lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thi công 15 danh mục... Tiến độ thi công cầu giao thông nông thôn do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động tài trợ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 12/16 cây cầu, giúp kết nối giao thông, tạo động lực phát triển cho địa phương còn nhiều khó khăn.      

Chủ tịch UBND huyện An Phú Mai Minh Hùng cho biết, huyện tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn phát triển kinh tế... Tập trung ứng dụng công nghệ vào sản xuất, trên địa bàn huyện hiện có 7 nhà màng (7.000m2), 30 nhà lưới giá rẻ (6.000m2) tại các xã: Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Khánh An, Quốc Thái, Vĩnh Trường, Phước Hưng, thị trấn Long Bình và thị trấn An Phú, đang trồng: dưa lưới, rau ăn lá, nấm linh chi và ươm cây giống... Đồng thời, triển khai dự án nâng cấp mở rộng hệ thống thủy lợi nội đồng vùng rau màu ấp Phước Khánh (xã Phước Hưng) hoàn thành trên 70% khối lượng công trình, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm. Ngoài ra, hỗ trợ thực hiện 11 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: trồng rau ăn lá, trồng dưa lưới và ươm giống cây con trong nhà màng, nuôi gà trên đệm lót sinh học, trồng nấm rơm trong nhà, nuôi lươn an toàn sinh học và ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trên cây ăn trái… cho 9 xã, với tổng kinh phí trên 1,1 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 450 triệu đồng, còn lại là vốn dân đối ứng để thực hiện.

Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức cho biết, chú trọng công tác xây dựng Đảng gắn với phát triển kinh tế, huyện An Phú từng bước tạo những chuyển biến tích cực về KTXH. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để thực hiện hiệu quả các chương trình thi đua, sản xuất - kinh doanh, khai thác tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy KTXH địa phương ngày càng phát triển.

Trong cuộc họp định kỳ vừa qua, lãnh đạo 2 tỉnh An Giang - Kandal thống nhất tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy thành lập các chợ biên giới, nhà máy, xí nghiệp, tạo điều kiện cho người dân trao đổi hàng hóa… Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với đường giao thông 2 tỉnh; tăng cường kiểm soát hoạt động của các bến đò biên giới nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Hoàn chỉnh các thủ tục xin phép Chính phủ nâng cấp cửa khẩu Khánh Bình thành cửa khẩu quốc tế (đường bộ và đường sông)…

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích