An Phú tạo sức bật mới

23/01/2023 - 08:02

 - An Phú (tỉnh An Giang) vào xuân. Đi trên những cung đường nối liền từ cầu Cồn Tiên lên biên giới Long Bình hay trên những trục đường kết nối 14 xã, thị trấn sẽ cảm nhận được sự đổi thay của từng tấc đất biên cương.

Vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh COVID-19, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện An Phú chung sức, đồng lòng thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Mùa xuân hiện hữu trên từng nếp nhà, trong lòng người hân hoan cuộc sống ấm no.

Kinh tế tăng trưởng

Về huyện đầu nguồn An Phú những ngày giáp Tết, không khí hân hoan lan tỏa trong từng nếp nhà, trên những khóm mai vàng rộ nở. Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp cho biết, năm 2022, tất cả 21/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất - kinh doanh trở lại bình thường, tạo không khí phấn khởi cho người dân trong lao động, học tập, vui chơi, giải trí. Theo đó, tổng sản lượng lương thực 226.927 tấn, đạt 104,29% kế hoạch; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 183,5 triệu đồng/ha/năm.

Tăng cường thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân với công ty, doanh nghiệp. UBND huyện An Phú ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Sản xuất trái cây Hùng Phát và Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan, hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 350ha và cam kết thu mua 5.000 tấn/năm; liên kết sản xuất tiêu thụ lúa với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hơn 1.800ha; liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Giống cây trồng Phú Hưng với diện tích 100ha; liên kết sản xuất bắp giống, sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn SRP tại các xã: Nhơn Hội, Quốc Thái, Vĩnh Hội Đông với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex)… 

Hợp tác xã DHFarm ký hợp đồng  liên kết với Công ty Cổ phần Nafoods và Công ty Antesco tiêu thụ xoài keo với sản lượng mỗi đơn vị 2.000 tấn/năm. Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai mô hình chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm xoài Cát Lộc trên địa bàn huyện An Phú, với diện tích 42ha tại xã: Vĩnh Hậu, Đa Phước, Vĩnh Trường; liên kết sản xuất bắp giống với diện tích 45ha ở địa bàn xã Quốc Thái; Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu liên kết sản xuất đậu bắp Nhật với diện tích 300ha/năm.

Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được quan tâm thực hiện, triển khai  9 danh mục mô hình nông nghiệp công nghệ cao; triển khai 1 danh mục “Xây dựng mô hình nuôi cấy và nhân giống đông trùng hạ thảo” tại xã Quốc Thái, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Toàn huyện có 19 nhà màng trồng dưa lưới và rau màu ứng dụng công nghệ cao, với diện tích hơn 2ha, có 43 nhà lưới giá rẻ (diện tích từ 250 - 500m2/nhà), trồng rau ăn lá và ươm giống cây con…

Trên địa bàn huyện có 3 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); hiện bình quân mỗi xã đạt 9/19 tiêu chí và 39/57 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025. Đến nay, xã Phước Hưng đạt 19/19 tiêu chí và 57/57 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021-2025, được tỉnh công nhận xã NTM năm 2022. Ngoài ra, toàn huyện có 3 ấp (ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội; ấp Búng Lớn, xã Nhơn Hội và ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu) được công nhận đạt chuẩn “Ấp NTM”.

Năm qua, huyện An Phú khai thác kinh tế biên mậu khá hiệu quả với những chỉ số ấn tượng. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (giá so sánh 2010) 657 tỷ đồng, đạt 103,96% so kế hoạch 2022, tăng 8,96% so cùng kỳ 2021. Tổng mức bán lẻ, dịch vụ 5.800 tỷ đồng, đạt 105,45% so kế hoạch, tăng 12,62% so cùng kỳ 2021. Giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới tại các cửa khẩu đạt 1,26 tỷ USD, tăng 14,55% so cùng kỳ 2021.

Chăm lo an sinh xã hội

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng từ đầu năm đến nay, Quỹ Vì người nghèo huyện An Phú và các xã, thị trấn vận động hơn 15 tỷ đồng. Qua đó, cất mới 83 căn nhà, sửa chữa 15 căn nhà; hỗ trợ thăm hỏi, tặng quà 19.013 lượt người; khám, chữa bệnh 2.223 người; trợ giúp học tập, khó khăn đột xuất 2.032 suất... Ngoài ra, đang triển khai cất 70 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn huyện từ các nguồn tài trợ...

Nối tiếp công trình xây dựng 50 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo (mỗi căn 39m2), được triển khai tại ấp An Thạnh (lộ Rạch Chà, thị trấn An Phú) với tổng đầu tư hơn 6,9 tỷ đồng, thực hiện bằng phương thức xã hội hóa. Vừa qua, tiếp tục triển khai xây dựng Khu nhà ở Đại đoàn kết xã Đa Phước (25 căn, mỗi căn 40m2) để giúp người dân khó khăn về nhà ở. Tổng kinh phí xây dựng 25 căn nhà trên 3,3 tỷ đồng bằng xã hội hóa...

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQVN huyện An Phú Nguyễn Văn Thao cho biết, đây là những công trình có ý nghĩa thiết thực nhằm chăm lo chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội; cụ thể là hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và các hộ dân gặp khó khăn về nhà để có được nơi cư trú ổn định. 

Sức bật từ phát triển hạ tầng

Điều dễ dàng cảm nhận là diện mạo An Phú ngày càng khởi sắc. Hạ tầng, cầu, đường được đầu tư hoàn thiện, nhiều công trình xây mới khang trang (điểm nhấn là công viên trước khu hành chính huyện, nhiều trụ sở cơ quan được xây dựng mới), thị trấn An Phú nhộn nhịp hơn, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn sôi động hơn…

An Phú đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cầu An Phú - Vĩnh Lộc, đây là công trình trọng điểm thúc đẩy kinh tế phát triển. Đầu tư nâng cấp cầu Vĩnh Trường; nâng cấp các tuyến đường kết nối 2 tuyến giao thông huyết mạch của huyện là Quốc lộ 91C và Tỉnh lộ 957; tận dụng và phát huy công năng các tuyến đường tuần tra biên giới đang được đầu tư trên địa bàn, để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh…

“Quốc lộ 91C và Tỉnh lộ 957 hoàn thành, kết nối từ Cồn Tiên lên Long Bình rất thông thoáng, giúp vận chuyển hàng hóa lên biên giới rất thuận tiện. Cửa khẩu Khánh Bình đang hoạt động nhộn nhịp, mở ra hướng phát triển sôi động cho khu vực Khánh Bình, Khánh An, Long Bình. Người dân chúng tôi rất phấn khởi” - chị Mỹ Hiền (chủ doanh nghiệp ở Khánh Bình) chia sẻ.

Huyện An Phú tập trung phát triển hạ tầng đô thị, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục thành lập thị trấn Đa Phước và phát triển thị trấn An Phú đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2023. Thực hiện đầu tư phát triển các khu dân cư đô thị mới, như: Khu đô thị mới thị trấn An Phú, Khu đô thị Cồn Tiên (mở rộng), Khu dân cư đô thị Tây sông Hậu… và quy hoạch khu đô thị, vui chơi, giải trí Bắc Quốc lộ 91C.

Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức cho biết, chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện An Phú (giai đoạn 2021-2025) xác định xây dựng và phát triển huyện An Phú đúng với tiềm năng và lợi thế là một huyện biên giới, là cửa ngõ xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh nói riêng và của khu vực ĐBSCL nói chung. Đặc biệt, quy hoạch phát triển gắn với quy hoạch chung của tỉnh, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế biên giới.

Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Hòa Hợp cho biết, huyện đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp An Phú, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, chế biến nhưng phải đảm bảo các điều kiện về môi trường, cơ cấu sử dụng đất, phát triển cụm công nghiệp góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng của huyện. Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa huyện An Phú với các vùng lân cận và kết nối Vương quốc Campuchia để phát triển giao thương.

HỮU HUYNH