An Phú thực hiện tốt chính sách người có công

27/07/2024 - 06:16

 - Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện An Phú (tỉnh An Giang) luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công cách mạng. Qua đó, bày tỏ sự biết ơn sâu sắc với thế hệ cha ông đã cống hiến máu xương cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và UBND huyện, các cấp, ngành, xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác chăm sóc gia đình chính sách, người có công, như: Vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, kế hoạch tổ chức các hoạt động nhân dịp lễ, Tết, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7)... Đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Điểm nổi bật trong công tác chăm lo gia đình chính sách và người có công ở huyện An Phú thời gian qua là thực hiện chi trả kịp thời các chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi thường xuyên hàng tháng cho 761 người có công cách mạng, với số tiền hơn 8,3 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, huyện kịp thời trao quà lễ, Tết cho 6.123 người có công, thân nhân người có công với số tiền trên 5 tỷ đồng.

Tặng quà Tết cho gia đình chính sách và hộ nghèo

“Là bộ đội xuất ngũ trở về địa phương, với nhiều thương tật. Nhờ có sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước nên bản thân tôi cùng gia đình vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống. Mỗi dịp lễ, Tết, lãnh đạo các cấp thường xuyên tới thăm, bản thân tôi và gia đình rất cám ơn. Tôi luôn cố gắng dạy dỗ con cháu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để sống có ích cho xã hội” - ông Lý Văn Cây (thương binh 81%, ngụ khóm An Hưng, thị trấn An Phú) bày tỏ.

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, huyện chú trọng vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, coi đây là nguồn lực để thực hiện tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, như: Tu bổ Nhà bia ghi tên liệt sĩ huyện; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công hoặc thân nhân người có công; thăm hỏi, hỗ trợ ốm đau, khám, chữa bệnh và trợ cấp mai táng, thờ cúng liệt sĩ...

Từ đầu năm đến nay, huyện chi trợ cấp mai táng phí và thờ cúng cho 57 thân nhân liệt sĩ, với số tiền 813 triệu đồng; chi trợ cấp điều dưỡng tại gia đình cho 217 người có công, với số tiền 402 triệu đồng; tổ chức đưa 41 người có công đi điều dưỡng tại: Đà Lạt, Đà Nẵng, Côn Đảo…

Thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân đầy đủ theo quy định. Đặc biệt, Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện tổ chức nhiều đoàn đến thăm hỏi, trao tặng quà cho gia đình chính sách nhân các dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, qua đó thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.  

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), các cấp, ngành trên địa bàn huyện An Phú tổ chức nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhằm tiếp nối truyền thống và tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng. Vận động thêm các nguồn lực từ các cá nhân, doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ sửa chữa, cất mới nhà ở, trợ cấp đột xuất, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho thương - bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công; tổ chức thăm hỏi, động viên thương - bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; tổ chức đưa người có công ra thủ đô Hà Nội viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức viếng Nhà bia ghi tên liệt sĩ huyện An Phú và viếng Nghĩa trang Liệt sĩ TX. Tân Châu. Phối hợp Huyện đoàn An Phú dâng hương và thắp nến tri ân tại Nhà bia ghi tên liệt sĩ huyện… 

Là thương binh 4/4, thuộc diện hộ cận nghèo, ông Huỳnh Thế Giám (sinh năm 1967, thương binh 4/4, ngụ ấp Vĩnh Nghĩa, xã Vĩnh Trường) luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và tinh thần vượt khó trong lao động sản xuất, không trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, mà bản thân luôn phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Cuối năm 2023, ông đến UBND xã xin trả lại sổ cận nghèo. “Là một người lính được rèn luyện và từng tham gia chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Nếu trong chiến đấu ác liệt  như vậy, khổ cực như vậy mà tôi và đồng đội còn vượt qua được thì hiện tại hòa bình và có điều kiện như bây giờ thì mình càng phải nỗ lực vươn lên để phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho các con và càng không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tôi làm đơn xin ra khỏi hộ cận nghèo để nhường lại cho hộ khác. Nhiều năm rồi được địa phương quan tâm, hỗ trợ kịp thời, tôi và các con có thêm ý chí, động lực vươn lên trong cuộc sống” - ông Huỳnh Thế Giám chia sẻ.

Những kết quả đạt được từ công tác chăm lo cho các gia đình chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Làm tốt công tác này không chỉ thể hiện truyền thống dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

Thời gian tới, huyện An Phú tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng để mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người dân nhận thức sâu sắc về sự hy sinh cao cả của gia đình chính sách, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đoàn kết, “Tương thân tương ái”, cần cù trong lao động sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công.

NGỌC CẨM - H.HUYNH