Ấn tượng gốm nghệ thuật Việt Nam 2021

01/11/2021 - 13:37

Hơn 100 tác phẩm gốm đặc sắc được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) từ ngày 20 đến 27-10 (thuộc Triển lãm Gốm nghệ thuật Việt Nam - 2021) đã mang đến những sắc thái mới mẻ, độc đáo của nghệ thuật gốm Việt.

Triển lãm Gốm nghệ thuật Việt Nam - 2021 cũng đánh dấu sự mở màn cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở Thủ đô trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 sau thời gian giãn cách xã hội.

Theo đơn vị chủ trì tổ chức là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, đã có 278 tác phẩm của 120 tác giả thuộc 25 tỉnh, thành phố tham gia sau hơn bốn tháng phát động. Hội đồng Nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập tuyển chọn 107 tác phẩm, bộ tác phẩm tiêu biểu của 56 tác giả để trưng bày. Trong điều kiện tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, triển lãm đón khá đông khách đến tham quan, tìm hiểu các tác phẩm gốm được sáng tạo trong thời gian gần đây, kế thừa và phát huy tinh hoa gốm truyền thống.

Có sáu tác phẩm xuất sắc trao giải thưởng đồng hạng ở loại hình gốm nghệ thuật và gốm ứng dụng, đó là: “Bình thường mới” của tác giả Nguyễn Khắc Quân; “Cao nguyên trắng” của Phan Thanh Sơn; “Vũ môn 3” của Hoàng Mai Thiệp; “Ngựa - Bạch mã” của Nguyễn Bảo Toàn; “Câu chuyện trẻ thơ” của Lê Văn Khuy và “Hà Nội trong tôi” của Nguyễn Danh Tú.

Tác phẩm: Cao nguyên trắng - Phan Thanh Sơn.

Do tình hình dịch bệnh nên nhiều tác giả ở địa phương khác không thể góp mặt tại triển lãm. Đặc biệt, chủ đề sự ảnh hưởng của COVID-19 tới cuộc sống con người hiện đại cũng xuất hiện trong nhiều tác phẩm, gây ấn tượng với người xem. Chẳng hạn như hình ảnh virus Corona đầy gai góc xen vào giữa đôi tình nhân đang âu yếm dựa vào nhau trong tác phẩm “Xâm nhập” của tác giả Nguyễn Văn Đô. Hoặc tạo hình vi-rút cũng có trong tác phẩm “Ngăn chặn” của Nguyễn Xuân Đệm. Tác phẩm “Bình thường mới” của Nguyễn Khắc Quân được sáng tác năm 2020 trong những làn sóng COVID-19 đầu tiên, khắc họa những khuôn mặt được che kín sau lớp vải, chỉ lộ ra đôi mắt. Đó cũng là hình ảnh mang tính biểu tượng, ghi lại một thời đại thay đổi nhanh chóng của nhân loại trước bệnh dịch. Một số đề tài quen thuộc khác như vẻ đẹp người phụ nữ, trẻ em, các loài động vật (trâu, ngựa, dê, khỉ, cá…) được thể hiện qua nhiều góc nhìn sáng tạo, khơi gợi cảm xúc và suy tưởng.

Bên cạnh gốm nghệ thuật, các tác phẩm thuộc loại hình gốm ứng dụng (có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau ngoài trưng bày riêng lẻ) cũng phong phú và được đánh giá tốt. Tác phẩm đèn sứ thấu quang “Hà Nội trong tôi” của nghệ nhân Nguyễn Danh Tú từ làng nghề Bát Tràng kết hợp nhiều thắng cảnh, di tích của Thủ đô trên chất liệu sứ trong suốt, toát lên vẻ sang trọng mà vẫn gần gũi.

Còn bộ trang sức mang tên “Mùa hoa” của Trần Thị Thu Hồng lại uyển chuyển, nữ tính với gốm phối ngọc trai và kim loại... Rất nhiều tác phẩm, bộ tác phẩm chọn chất liệu đất nung cổ truyền nhưng có kỹ thuật tạo hình cao và ý tưởng mới lạ, không đóng khung trong những khuôn mẫu thường thấy. Ngoài ra còn có nhiều chất liệu đa dạng như gốm men mầu, gốm phủ bạc, gốm kết hợp đồng và gỗ, vẽ trên gốm.

Đáng chú ý trong triển lãm lần này, không chỉ có tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc mà còn có cả nghệ nhân của nhiều làng gốm lâu đời ở khắp các vùng miền. Đứng cùng các tác phẩm gốm trang trí đẹp mắt là những tác phẩm giàu tính nghệ thuật, có nội dung xã hội, triết lý nhân sinh sâu sắc, có cấu trúc điêu khắc rõ rệt. Sự kết hợp các yếu tố mầu men, hình khối, trang trí… đã tạo nên những tác phẩm gốm hiện đại, mang giá trị thẩm mỹ cao, có tính ứng dụng trong đời sống.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Trưởng Ban chỉ đạo triển lãm cho biết, do gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19 nên triển lãm chưa thể tập hợp, giới thiệu được đầy đủ thành quả sáng tạo của tất cả các nghệ sĩ, nghệ nhân chuyên về gốm, tuy nhiên các tác phẩm được chọn trưng bày và trao giải thưởng đã thể hiện được nhiều tìm tòi mới, cởi mở, có chất lượng tốt, xứng đáng đại diện cho gốm Việt Nam hiện nay. Đó là tâm huyết đáng trân trọng của các tác giả trong việc thúc đẩy sự phát triển của gốm đương đại, đồng thời góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.

Theo HẢI LÂM (Báo Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích