Anh mơ vô địch EURO 2024: Học Tây Ban Nha để chiến thắng
12/07/2024 - 18:05
Đội tuyển Anh mơ vô địch EURO 2024 với lứa cầu thủ lớn lên theo dự án 'DNA England' được học từ chính người Tây Ban Nha.
AA
Dự án "DNA England"
Tây Ban Nha và Anh gặp nhau trong trận cuối cùng ở EURO 2024. Tại Berlin còn hơn cả một trận chung kết tranh chiếc cúp vô địch.
Có nhiều điểm cắt giữa hai đội trong vài năm gần đây. U21 Anh của Cole Palmer và Anthony Gordon đánh bại U21 Tây Ban Nha của Alex Baena trong trận chung kết U21 EURO 2023 (1-0).
Cole Palmer cùng U21 Anh đánh bại U21 Tây Ban Nha để vô địch U21 châu Âu 2023
Phil Foden, Marc Guehi (cả 2 đều ghi bàn) và Gallagher trong thành phần U17 Anh thắng đậm U17 Tây Ban Nha của Ferran Torres 5-2, trong trận chung kết FIFA U17 World Cup hồi tháng 10/2017.
Trước đó, tháng 5/2017, U17 Tây Ban Nha vượt qua U17 Anh trên loạt luân lưu với tỷ số 4-1 để vô địch U17 châu Âu (hòa 2-2 trong 90 phút, Foden cũng ghi bàn).
Các CLB Tây Ban Nha vô địch Champions League 7 trong 11 mùa giải gần nhất - 6 của Real Madrid và 1 thuộc về Barcelona. Những đại diện Anh nâng cao danh hiệu này ở 3 trong 6 mùa gần đây (Liverpool, Chelsea và Man City).
Sự vượt trội của bóng đá Tây Ban Nha và Anh so với phần còn lại của châu Âu là phi thường. Điều này không phải ngẫu nhiên.
Cội nguồn của tất cả chính là thành công mà Tây Ban Nha trải qua trong giai đoạn 2008-2012.
Trong khi Barca áp đảo về sân chơi các CLB, thì "La Roja" là đội duy nhất cho đến nay vô địch 3 giải lớn liên tiếp (EURO 2008, 2012, World Cup 2010; Argentina sẽ tiếp bước nếu thắng Colombia trong trận chung kết Copa America 2024, 7h ngày 15/7).
Thành công của Tây Ban Nha trở thành mầm mống cho sự phát triển của bóng đá Anh. Từ đó, lần đầu tiên trong lịch sử hai đội gặp nhau ở một trận chung kết giải đấu lớn (EURO và World Cup).
Aadam Patel, nhà báo của Daily Mail, giải thích: "LĐBĐ Anh [FA] chứng kiến sự thành công của Tây Ban Nha giai đoạn 2008-2012, nhận ra rằng họ cần một hệ thống tương tự và riêng biệt để vượt qua những thế lực lớn".
Southgate và Ashworth, những người phát triển dự án "DNA England"
Sau nhiều thập kỷ, rất nhiều dự án không thành công nên FA trao toàn quyền cho hai nhân vật: Dan Ashworth và Gareth Southgate.
Dan Ashworth, người vừa trở thành GĐTT của MU, được bổ nhiệm vào cương vị Giám đốc phát triển của FA năm 2012.
Chính ông đã tạo ra dự án "DNA England", một hệ thống công nghệ và bóng đá để phát triển các cầu thủ trẻ giàu triển vọng, thông qua Premier League cũng như các giải hạng dưới.
Một năm sau Dan, đến lượt Southgate gia nhập dự án với vai trò HLV trưởng U21. Mùa hè 2016, ông tiếp quản ĐTQG, đóng vai trò là chìa khóa cho sự phát triển rất rõ ràng của lứa cầu thủ thuộc chương trình "DNA England".
Thành công của bóng đá trẻ
"Lúc đó, nó được đón nhận với rất nhiều hoài nghi, nhưng bây giờ kết quả rất rõ ràng. Bóng đá Anh có một hệ thống để đưa mình tiến rất xa", Patel phân tích.
Dấu ấn của "DNA England"? Anh của Southgate lọt vào bán kết World Cup 2018, chung kết EURO 2020 và một lần nữa có mặt trong trận cuối cùng ở EURO 2024.
Những kết quả mang tính lịch sử đối với Anh, cho dù thành công ở World Cup 1966 chưa lặp lại. Ngoài ra, trong 10 năm qua, họ có 2 lần vô địch giải trẻ thế giới (U20 năm 2017; U17 năm 2014), 4 lần vô địch bóng đá trẻ châu Âu (U21 năm 2023; U19 các năm 2017 và 2022; U17 năm 2014).
Guehi và Foden, từ vô địch U17 World Cup đến chung kết EURO 2024
"Tất cả những danh hiệu này là kết quả của kế hoạch triển khai hơn một thập kỷ trước. FA và Premier League tạo ra một hệ thống để phát triển tài năng", Pep Clotet, HLV người Tây Ban Nha có nhiều năm làm việc ở Anh cho Birmingham City, phân tích trên El Mundo.
Clotet tiếp: "Premier League đầu tư vào bất kỳ CLB nào có nhu cầu riêng về bóng đá cơ sở. Đó là một hệ thống gồm 4 hạng mục, trong đó hạng 1 cao nhất.
FA cùng với Premier League yêu cầu bạn đặt mục tiêu và giám sát mọi thứ mỗi 6 tuần một lần, thông qua hệ thống mà họ gọi là 'Đánh giá'. Hệ thống này bao gồm chiến lược cho tất cả các hạng mục của CLB".
Mọi thứ được xây dựng rất chi tiết. "Ở cấp độ thể chất, dinh dưỡng, tâm lý, huấn luyện, cơ sở vật chất... FA và Premier League điều phối mọi thứ thông qua một công cụ công nghệ", Clotet giải thích. Ông kết luận: "Họ có chiến lược riêng cho từng cầu thủ".
Chờ danh hiệu với ĐTQG
"Bản sao" mô hình Tây Ban Nha là gì? Bản chất "DNA England" nói lên điều gì?
Phần mở đầu chương trình nêu rõ: "Mục tiêu của các đội Anh là chiếm ưu thế kiểm soát bóng một cách thông minh, chọn thời điểm thích hợp để tiến triển trận đấu và xâm nhập phần sân đối phương".
Clotet giải thích kỹ hơn: "Họ dựa vào cách tập luyện ở Tây Ban Nha. Họ sử dụng khả năng kiểm soát bóng rất nhiều, chơi ở không gian nhỏ, thực hiện các công việc kỹ thuật.
Ở một mức độ nhất định, đó là những gì Tây Ban Nha đã làm trong 20 năm qua, nhưng điểm nhấn không phải là chơi thứ bóng đá hấp dẫn. Đó là việc kiểm soát bóng chắc chắn và tạo ra một đội bóng khó bị đánh bại. Áp lực phải giành được một chiếc cúp rất lớn. Năm 1966 đã qua lâu rồi".
Anh đang chờ danh hiệu đầu tiên kể từ 1966
Đây là điều được thể hiện ở EURO 2024: Anh kiểm soát bóng rất nhiều (58,2%; so với 57% của đối thủ trận chung kết), nhưng không tấn công kiểu Tây Ban Nha.
Tại Đức, "Tam sư" có độ tuổi trung bình trẻ thứ 3 giải đấu - 26,2 tuổi. Chỉ Cộng hòa Séc (25,5) và Thổ Nhĩ Kỳ (25,8) có tuổi trung bình thấp hơn.
Đội xuất phát của Anh có những cầu thủ sinh từ năm 2000 như Guehi (23 tuổi), Saka (22), Mainoo (19), Bellingham (21) hay Foden (24).
Patel giải thích: "Southgate là nhân vật chính vào lúc này. Sẽ là tổn thất lớn cho FA nếu ông rời đi vì bản thân đã điều hành toàn bộ hệ thống".
Trong khi chờ danh hiệu sau gần 60 năm, "DNA England" đã biến Premier League thành giải đấu hay nhất thế giới.
Premier League là giải đấu có doanh thu cao nhất mùa 2022-23, với 6,967 tỷ euro, vượt xa La Liga (3,5 tỷ euro). Họ vừa ký hợp đồng truyền hình 4 năm với Sky và TNT trị giá 6,700 tỷ euro chỉ để phát sóng trong nước.
Theo Vietnamnet
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: