Điều này đã mang đến cơ hội cho ASEAN, khi khu vực này có lợi thế lớn về nguồn nhân lực cùng với sự hỗ trợ chính sách về thuế và tiền thuê nhà xưởng… Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do mà một số nước Đông Nam Á ký kết với những quốc gia phát triển cũng tạo ra lợi thế xuất khẩu của ngành sản xuất Đông Nam Á.
Xu hướng tất yếu
Các hiệp định thương mại tự do ký kết với những quốc gia phát triển tạo ra lợi thế xuất khẩu của ngành sản xuất Đông Nam Á. Ảnh: TTXVN
Công ty thiết kế, chế tạo sản phẩm công nghệ Wistron của Đài Loan (Trung Quốc) - một trong những đối tác của doanh nghiệp sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị di động Apple - mới đây cho biết sẽ chuyển một phần sản xuất khỏi Trung Quốc trong thời gian tới.
Động thái này của Wistron cho thấy xu hướng các nhà máy sản xuất rời Trung Quốc để đến các quốc gia khác vẫn tiếp tục diễn ra với quy mô ngày càng lớn kể từ khi "thương chiến" Mỹ - Trung xảy ra. Năm 2019, báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết khoảng 1/3 công ty Mỹ tại Trung Quốc sẽ hủy hoặc tạm dừng đầu tư vào Trung Quốc và một số doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc sẽ dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, mà điểm đến có thể là các nước Đông Nam Á hoặc Mexico.
Xu hướng này càng gia tăng sau khi dịch COVID-19 làm tê liệt các chuỗi cung ứng thế giới, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp toàn cầu. Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc Jorg Wuttke đánh giá dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp nhận thức được sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, Hàn Quốc cho rằng Đông Nam Á được xác định là khu vực mà ngành tài chính Hàn Quốc nên mở rộng sự hiện diện trong 3 năm tới để thực hiện kế hoạch trở thành trung tâm tài chính quốc tế lớn của nước này. Theo Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC), việc mở rộng hoạt động ở các nước ASEAN là một trong 3 chiến lược chính để thực hiện kế hoạch tổng thể thứ năm nhằm mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2022.
Thông cáo báo chí của FSC khẳng định: "Là mục tiêu trong chiến lược hướng ngoại của chúng tôi, các nền kinh tế ASEAN mới nổi ngày càng được chú ý. Trong số 27 chi nhánh nước ngoài mà các công ty tài chính Hàn Quốc thành lập năm ngoái, có 13 chi nhánh được đặt tại các quốc gia thành viên ASEAN, như Việt Nam, Indonesia và Singapore".
Còn theo số liệu thống kê, Indonesia và Singapore đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á về gây quỹ đầu tư mạo hiểm (VC), dù tốc độ huy động vốn đã chậm lại trong quý I/2020. Theo báo cáo mới nhất của Deal Street Asia, Indonesia đã huy động được 161 triệu USD trong quý I/2020, trong khi Singapore dẫn đầu khu vực với 865 triệu USD.
BRI Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm số một tại Indonesia khi huy động được 136 triệu USD, tiếp theo là OCBC Ventura NISP và Indogen Capital với lần lượt 15 triệu USD và 10 triệu USD. Trong khi đó, quỹ đầu tư mạo hiểm B Capital có trụ sở tại Singapore huy động được 600 triệu USD, xếp trên Vickers Venture Partners (200 triệu USD) và Credence Partners (50 triệu USD).
Trong báo cáo “Điểm lại các quỹ VC Đông Nam Á trong quý I/2020”, Deal Street Asia cho biết các VC trong khu vực đã huy động được số vốn cam kết có tổng trị giá khoảng 5,8 tỷ USD, dựa vào số liệu thống kê từ các quỹ đã đóng trong bốn quý vừa qua. Bên cạnh các quỹ đã đóng, có tới 53 VC đang có mặt trên thị trường Đông Nam Á với mục tiêu huy động tổng cộng 8,4 tỷ USD, trong đó khoảng 30% đã được đáp ứng.
Triển vọng tươi sáng
Một công ty sản xuất hàng may mặc ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters
Trong báo cáo mới đây có tên “Chiến lược phục hồi và tái thiết châu Á giai đoạn hậu COVID-19”, các chuyên gia khuyến nghị các nhà lãnh đạo châu Á nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh để phối hợp các chính sách tài chính, thương mại, y tế công cộng và an ninh lương thực. Tác giả của bản báo cáo là một nhóm các chuyên gia kinh tế và cố vấn chính phủ từ Australia, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Các chuyên gia cho rằng nếu các nước châu Á, trong đó có ASEAN, lắng nghe và hưởng ứng lời kêu gọi của các tác giả báo cáo, hậu quả của cuộc khủng hoảng có thể ít nghiêm trọng hơn so với dự đoán của các nhà khoa học chính trị và kinh tế chỉ một tháng trước. Đây là nhận định của chuyên gia Alexander Salitsky từ Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO). Chuyên gia Nga này giải thích tại sao châu Á có thể đóng vai trò đầu tàu trong quá trình vượt qua khủng hoảng toàn cầu hậu COVID-19. Đó là do trong 3 - 4 tháng đầu năm nay nền kinh tế châu Á không chìm quá sâu vào khủng hoảng, khác với các nền kinh tế của Mỹ và châu Âu.
Hơn nữa, ở Mỹ và châu Âu, tình hình kinh tế quý II/2020 thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn nhiều so với quý I/2020. Còn tại châu Á, tình hình không quá nghiêm trọng khi nhiều nước vẫn ghi nhận tăng trưởng. Ngoài ra, các nền kinh tế châu Á đã phải đối mặt với dịch bệnh sớm hơn Mỹ và châu Âu, do đó họ có thể sớm vượt qua khủng hoảng do các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội gây ra. Trên thực tế, kinh tế châu Á đang phục hồi đã trở thành trung tâm mới của nền kinh tế toàn cầu, có tính đến sự đóng góp của ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo các chuyên gia, dịch COVID-19 đã làm tăng ảnh hưởng của các nền kinh tế của Đông Á và Đông Nam Á đối với nền kinh tế thế giới.
Tại hội thảo trực tuyến "Gắn kết thương mại và địa chính trị Ấn Độ - ASEAN" diễn ra mới đây, các học giả nhận định Ấn Độ và ASEAN có sự gắn kết mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Tiến sĩ Faisal Ahmed, thuộc Trường Quản lý FORE, đánh giá ASEAN là khu vực tiến bộ về kinh tế, sôi động về văn hóa và có ý nghĩa địa chính trị quan trọng. Ấn Độ và các quốc gia ASEAN có chung mối quan hệ văn minh và văn hóa mạnh mẽ. Trong năm 2018-2019, thương mại hàng hóa giữa Ấn Độ và ASEAN đạt 97 tỷ USD, thương mại dịch vụ đạt 45 tỷ USD.
Trong khi đó, Nhật Bản dự kiến khởi động một chương trình trợ cấp nhằm khuyến khích các nhà sản xuất trong nước chuyển cơ sở sản xuất ở nước ngoài tới Đông Nam Á. Chương trình nói trên trị giá 23,5 tỷ yen (220 triệu USD), được tích hợp vào gói kích thích kinh tế khẩn cấp của Chính phủ Nhật Bản nhằm hạn chế tác động tới nền kinh tế do COVID-19, sẽ giúp các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng việc hỗ trợ tài chính để xây dựng các cơ sở sản xuất cũng như những nghiên cứu khả thi tại các nước ASEAN.
Một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) nói: “Ngay cả trước khi COVID-19 bùng phát, nhu cầu thiết lập các cơ sở sản xuất ở khu vực ASEAN đã gia tăng trong số các doanh nghiệp Nhật Bản... Cùng với đó, chương trình này sẽ giúp Nhật Bản xây dựng quan hệ tốt hơn với các nước ASEAN”.
Theo ANH QUÂN (Báo Tin Tức)