Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cam kết theo đuổi cách tiếp cận “Một sức khỏe” nhằm ngăn chặn các đại dịch trong tương lai do lây truyền bệnh từ động vật sang người.
Cam kết này được thể hiện qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về Sáng kiến một sức khỏe, qua đó thúc đẩy hợp tác y tế khu vực vốn rất quan trọng đối với việc phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023, các nước thành viên ASEAN và nhiều đối tác đã tiến hành thảo luận và tham vấn nhằm xây dựng dự thảo đầu tiên của Tuyên bố nói trên từ ngày 15-17/3 tại đảo Bali.
Cục trưởng Phòng chống dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Indonesia Maxi Rein Rondonuwu cho biết “Một sức khỏe" là cách tiếp cận tốt nhất để phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Theo ông Maxi, cách tiếp cận này đòi hỏi cơ chế hợp tác và điều phối liên ngành mạnh mẽ.
Ông nhấn mạnh: “Hợp tác đa ngành giữa các nhà khoa học, chính phủ, ngành công nghiệp và các tổ chức quốc tế, cũng như việc triển khai đồng thời cách tiếp cận Một sức khỏe ở các nước ASEAN sẽ chứng minh rằng bằng cách làm việc cùng nhau, chúng ta có thể khắc phục đại dịch trong tương lai."
Về phần mình, chuyên gia Andre Furco của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH), cho rằng cách tiếp cận "Một sức khỏe" là phương pháp mạnh giúp đảm bảo sức khỏe cho con người, động vật, thực vật và môi trường, cũng như an ninh và an toàn thực phẩm, đồng thời mở đường để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Trong khi đó, chuyên gia Sitaramachandra Machiraju của Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định rằng tổ chức này hoàn toàn ủng hộ việc thực hiện "Một sức khỏe" tại ASEAN nhằm ngăn chặn các đại dịch trong tương lai./.
Theo HỮU CHIẾN (TTXVN/Vietnam+)