Đổi thay ở Châu Phú
Trong chuyến thăm và làm việc tại An Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng trước những thay đổi đồng bộ và toàn diện của xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú. Tổng Bí thư hoan nghênh xã Mỹ Phú nói riêng và huyện Châu Phú nói chung đã năng động sáng tạo, thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh 2 sản phẩm chủ lực của tỉnh là cây lúa và cá tra. Đây còn là “điểm sáng” của tỉnh trong việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, góp phần đưa kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân trong huyện ngày càng phát triển.
“Tôi hoan nghênh tinh thần sắp xếp tinh gọn bộ máy của huyện, với những cách làm hay và hiệu quả. Đây là cơ sở thực tiễn để Trung ương, cơ quan chức năng và địa phương khác nghiên cứu, rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương, ghi nhận sự nỗ lực của huyện Châu Phú.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao tính tiên phòng, nỗ lực của huyện Châu Phú trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy
Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Trần Thanh Nhã: “Đảng bộ luôn xác định công tác vận động quần chúng và xây dựng Đảng là vấn đề then chốt, quyết định sự thành công trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Xuất phát từ thực trạng đội ngũ cán bộ địa phương và nhiệm vụ do Đại hội giao, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng và ban hành nhiều đề án, kế hoạch quan trọng liên quan đến lĩnh vực xây dựng Đảng và vận động quần chúng, như: Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 của khối Đảng, đoàn thể huyện Châu Phú theo Nghị định số 108; Đề án sắp xếp, kiêm nhiệm một số chức danh cán bộ xã - thị trấn; Đề án sắp xếp tinh gọn các phòng, ban huyện và 43 kế hoạch, 3 chương trình khác có liên quan đến lĩnh vực xây dựng Đảng, vận động quần chúng”.
Một trong những ấn tượng nổi bật của huyện Châu Phú trong công tác xây dựng hệ thống chính trị đó là địa phương đã chủ động và tích cực sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn với lộ trình cụ thể. Thực hiện đầu nhiệm kỳ 2015-2020, đến nay Châu Phú có 13/13 xã, thị trấn (100%) thực hiện mô hình nhất thể thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã và là địa phương đi đầu của tỉnh thực hiện mô hình này. Việc nhất thế hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã, cũng như cán bộ kiêm nhiêm một số chức danh đã và đang mang lại nhiều hiệu quả. Theo đó, bộ máy được tinh gọn, khắc phục tình trạng chồng chéo, vừa thừa lại vừa thiếu, hoạt động tốt hơn, thu nhập cán bộ, công chức cấp xã cũng được nâng lên”.
Song song đó, huyện Châu Phú còn sáp nhập Trung tâm Văn hóa với Trung tâm Thể dục - Thể thao thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện; sáp nhập Trung tâm Y tế với Bệnh viện thành Trung tâm Y tế huyện; sáp nhập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật.
Về nhất thể hóa chức danh cán bộ cấp huyện, tháng 5-2018, Châu Phú đã hoàn thành thực hiện Bí thư Huyện ủy đồng thời Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy đồng thời Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện; Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện; Chánh Văn phòng Huyện ủy đồng thời Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện; Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đồng thời là Chánh Thanh tra huyện; Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin kiêm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy; Trưởng Đài Truyền thanh huyện kiêm Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện; các Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy đồng thời là Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện.
“Kết quả thực hiện bước đầu cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành nhiệm vụ được tập trung, thống nhất. Vì vậy, công việc được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi. Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đồng bộ, toàn diện, phân công công việc cho cán bộ hợp lý, hiệu quả; giảm được số lượng, thời gian hội họp. Đồng thời, việc quản lý và sử dụng biên chế cũng có hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức được nâng chất, hoạt động của đơn vị cũng hiệu quả. Số lượng cán bộ và định suất tiền lương giảm (7/47 định biên/xã), phần kinh phí tiết kiệm khoảng 200 triệu đồng/năm sẽ được sử dụng chi tăng thu nhập cho lực lượng cán bộ xã, thị trấn tương xứng với công việc, nhiệm vụ được giao” - đồng chí Trần Thanh Nhã cho biết.
Quan trọng là sau khi sáp nhập, tinh giản biên chế nhưng hiệu quả công việc vẫn hoạt động hiệu quả. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Châu Phú (nhiệm kỳ 2015-2020), nhiều chỉ tiêu của huyện đã đạt và vượt, như: tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,81%/năm (đạt 120,7% chỉ tiêu); 81,83% người dân tham gia bảo hiểm y tế (đạt 102,3%); thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 125% chỉ tiêu); kết nạp 506 đảng viên (đạt 101,2% chỉ tiêu)… Với quyết tâm đưa kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân trong huyện ngày càng phát triển, cùng thế mạnh của huyện là sản xuất nông nghiệp (chủ lực là cây lúa và con cá), sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt 169 triệu đồng/ha (tăng 19 triệu đồng/ha so với đầu nhiệm kỳ).
Có được kết quả trên là nhờ sự quyết tâm, đoàn kết của cả Đảng bộ; sự quyết đoán, linh hoạt của người đứng đầu. Quan trọng là sự đồng lòng ủng hộ của đội ngũ cán bộ, đảng viên là yếu tố nội tại để giúp cho Đảng bộ huyện thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhất là, thực hiện hiệu quả việc đổi mới nội dung, hình thức hoạt động theo hướng trực tiếp ở địa bàn, gần dân, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Đột phá của Long Xuyên
Trong khi nhiều nơi còn lúng túng, chưa sắp xếp được cán bộ để thực hiện mô hình nhất thể hóa Bí thư đồng thời Chủ tịch UBND cấp huyện, thì giữa năm 2017, TP. Long Xuyên là địa phương cấp huyện đầu tiên trong tỉnh An Giang thực hiện mô hình này. Một trong những đột phá táo bạo của Long Xuyên lúc bấy giờ là việc thành lập Văn phòng chung của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Theo đó, nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo Văn phòng, gồm: 1 Chánh Văn phòng, 4 Phó Chánh Văn phòng, cơ cấu lại các bộ phận tham mưu tổng hợp và hành chính quản trị từ 9 tổ còn 6 tổ. Kết quả bước đầu thực hiện cho thấy nhiều thuận lợi trong điều hành, huy động nguồn lực về con người và cơ sở vật chất để phục vụ công tác tham mưu, giúp việc cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; giảm được 3 vị trí lãnh đạo văn phòng.
TP. Long Xuyên là đơn vị cấp huyện đầu tiên trong tỉnh thực hiện mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND thành phố
Đồng thời, để khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu sự phối hợp đồng bộ từ khâu triển khai, thực hiện; bộ máy hoạt động có nơi thừa, nơi thiếu, phân tán, chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong khi đó, Dân vận, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố lại có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Theo đó, TP. Long Xuyên đã thành lập Văn phòng Khối thực hiện công ác tham mưu, giúp việc chung cho MTTQ và các đoàn thể chính trị thành phố. Hoạt động của Văn phòng Khối đặt dưới sự lãnh đạo của Ban lãnh đạo Khối do đồng chí Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ thành phố làm Trưởng khối; trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội là các Phó khối; Chánh Văn phòng Khối do Phó Chủ tịch MTTQ đảm nhiệm; từ 37 biên chế giảm còn 33 biên chế.
Trên cơ sở sắp xếp các cơ quan chuyên môn của Đảng, chính quyền, đoàn thể và các đơn vị sự nghiệp, Ban Thường vụ Thành ủy đã sắp xếp, sáp nhập một số tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Thành ủy, như: hợp nhất 6 chi bộ cơ sở của MTTQ và các đoàn thể thành phố thành Chi bộ Khối Dân vận Thành ủy. Nhờ đó, đã giảm số lượng tổ chức cơ sở Đảng từ 67 còn 59 chi, đảng bộ trực thuộc Thành ủy.
Ngoài ra, từ tháng 7-2017, TP. Long Xuyên cũng đã sáp nhập Trung tâm Văn hóa và Trung tâm Thể dục - Thể thao thành Trung tâm Văn hóa – Thể thao (giảm 6 biên chế so với trước khi sáp nhập). Đồng thời, sáp nhập Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa thành phố thành Trung tâm Y tế thành phố Long Xuyên (giảm 3 lãnh đạo so với trước khi sáp nhập). Thành ủy cũng đã xây dựng Đề án nhất thể hóa chức danh người đứng đầu, hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương phê duyệt được thực hiện thí điểm. Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ giảm được 18 biên chế (gồm 8 lãnh đạo, 10 chuyên viên), kinh phí tiết kiệm được trên 2 tỷ đồng/năm.
TP. Long Xuyên phấn đấu đến đầu năm 2019, có 100% xã, phường thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Hiện, địa phương đã thực hiện được 11/13 phường, xã. “Việc thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND giúp nâng cao hiệu quả trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương. Phát huy vai trò trách nhiệm, tinh thần đoàn kết nội bộ, huy động các nguồn lực tốt hơn. Bộ máy vận hành thông suốt, thống nhất, nhanh chóng hơn từ khâu đề ra chủ trương đến khâu tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào cấp ủy của chính quyền cùng cấp”- Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Long Xuyên Bùi Văn Tặng cho biết.
Song song với việc tinh gọn bộ máy, TP. Long Xuyên luôn quan tâm, chú trọng đổi mới phương pháp công tác, lề lối làm việc, tăng cường cải cách hành chính trong Đảng. Từng cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chấp hành pháp luật Nhà nước; gần gũi lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Phát huy vai trò nêu gương trong việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Định kỳ 6 tháng, Ban Đảng Thành ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có buổi làm việc với 13 phường, xã để kịp thời có chủ trương, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh. Chỉ đạo định kỳ các buổi tiếp xúc trực tiếp giữa Đảng, chính quyền, đại biểu HĐND với cử tri để lắng nghe, tiếp thu, giải quyết, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Long Xuyên đã tổ chức 250 cuộc, đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo tập trung giải quyết dứt điểm tình hình nổi cộm, bức xúc kéo dài trên địa bàn, như: sắp xếp di dời chợ nông sản thực phẩm Long Xuyên, chợ thủy hải sản Mỹ Long… và các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài, góp phần ổn định tình hình xã hội trên địa bàn thời gian qua.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Anh Kiệt: Việc thực hiện nhất thể hóa chức danh và sáp nhập văn phòng chung của TP. Long Xuyên và huyện Châu Phú là mô hình mang tính đột phá trong tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động để phục vụ nhân dân tốt hơn. Thực tế cho thấy, trong xử lý công việc nhanh chóng, kịp thời, thông suốt. Tinh thần đoàn kết nhất trí trong nội bộ và vai trò, trách nhiệm người đứng đầu được nâng lên. Nguồn lực về con người, cơ sở vật chất được tập trung, giúp thuận lợi, nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Mặt khác, giúp thực hiện tốt mục tiêu tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu ngân sách, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ khi kiêm nhiệm chức danh, nhất là ở cơ sở. Đối với cán bộ thì đây là môi trường để thử thách, rèn luyện, nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua đó, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
THU THẢO
Bài 3: Nâng tầm lãnh đạo, hiện thực hóa khát vọng vươn lên