Khẳng định vai trò là ngành “nền tảng của nền kinh tế”

02/07/2025 - 05:00

 - Trong bối cảnh tỉnh An Giang mở rộng, sau khi hợp nhất sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới, với nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức. Ngành Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tập trung giải pháp để tiếp tục là trụ cột trong phát triển bền vững.

Khai thác thế mạnh nuôi, chế biến, thủy sản xuất khẩu An Giang

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức khẳng định: “Việc hợp nhất tỉnh và Sở NN&MT, công việc của đơn vị trong thời gian tới được giao rất nặng nề. Ngành NN&MT phải đóng vai trò tiên phong trong tái cơ cấu không gian phát triển nông nghiệp, khai thác hiệu quả thế mạnh mới của tỉnh sau sáp nhập. Phải phát huy lợi thế vùng ngọt - lợ, vùng nuôi biển - rừng ngập mặn của khu vực Hà Tiên - Kiên Lương - U Minh Thượng, kết hợp chặt chẽ với vùng lúa - cá, nếp - cây ăn trái, rau màu công nghệ cao của vùng Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Chợ Mới. Chủ động đề xuất quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên biệt, sản phẩm chủ lực theo địa bàn cũ - mới”.

Ông Ngô Công Thức đề nghị: “Cần phát triển nông nghiệp xanh - tuần hoàn - hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường là yêu cầu chiến lược. Để làm được điều này, cần tăng cường phối hợp các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn. Sở cần tập trung đề xuất các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, phát triển sinh kế bền vững cho nông hộ, giảm phụ thuộc vào hóa chất, phân bón vô cơ. Đồng thời, xử lý triệt để các vấn đề môi trường tồn đọng, chú trọng hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý chất thải nông thôn, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường kiểm soát ô nhiễm từ nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung, các cụm công nghiệp”.

Cùng với đó, ngành NN&MT phải đi đầu trong việc ứng dụng chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, công nghệ sinh học trong sản xuất và quản lý. Đặc biệt là hệ thống mã số vùng trồng, vùng nuôi, nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc, bản đồ số hóa tài nguyên đất - nước - môi trường phục vụ quản lý thông minh và thích ứng biến đổi khí hậu. Công tác quản lý tài nguyên - bảo vệ môi trường phải được nâng tầm chiến lược cấp tỉnh.

Cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu môi trường liên tỉnh; thống nhất đầu mối quản lý, thanh kiểm tra môi trường từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, quan tâm phát triển mô hình xã/phường “xanh - sạch - an toàn môi trường”, gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Phải tổ chức thực hiện tốt việc quản lý đất đai hiệu quả. Trong vấn đề về khai thác khoáng sản, tham mưu UBND tỉnh thực hiện theo đúng quy hoạch, bảo đảm cung cấp nguyên liệu cho phát triển kinh tế, quản lý đất đai hiệu quả.

Vấn đề then chốt là kiện toàn đội ngũ cán bộ, tăng cường vai trò hạt nhân lãnh đạo của các tổ chức Đảng trong toàn ngành. 5 năm qua, các nhiệm vụ chuyên môn được Sở NN&MT quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2020 - 2025 đạt 131.603 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 3,35%/năm (vượt so với nghị quyết đề ra là 2,8%/năm).

Công tác chỉ đạo thực hiện các quy hoạch, các chương trình để phát triển nông nghiệp, nông thôn như: “Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang” được quan tâm thực hiện. Về công tác giảm nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh bình quân  0,77%/năm, đạt kế hoạch đề ra (mục tiêu từ 0,5% - 1,2%/năm). Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nông thôn. Lĩnh vực tài nguyên và môi trường thực hiện tốt các nhiệm vụ về quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường, quan trắc tài nguyên và môi trường, quản lý tài nguyên nước và khí tượng thủy văn… 

Ngành đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, triển khai quyết liệt “bộ tứ trụ cột” đột phá: Phát triển ngành NN&MT hiện đại, bền vững, có sức cạnh tranh cao, phát huy tối đa lợi thế kết hợp “núi - đồng bằng - biên giới - biển đảo”, tích hợp kinh tế biên giới và kinh tế biển. Chuyển mạnh sang mô hình phát triển dựa trên tri thức, công nghệ cao và kinh tế tư nhân làm động lực chiến lược... góp phần quan trọng đưa tỉnh An Giang mới trở thành trung tâm phát triển năng động, toàn diện và bền vững của vùng ĐBSCL; hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, tạo nên một cực tăng trưởng quan trọng và một hình mẫu về cải cách tổ chức và phát triển bền vững. Tập trung giải pháp tăng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản bình quân 4%, sản lượng lúa bình quân đạt trên 8 triệu tấn/năm, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

HẠNH CHÂU