Bán bánh ú nuôi con ăn học thành tài

07/06/2022 - 00:50

 - Hơn 40 năm qua, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hai (sinh năm 1941) và bà Phạm Thị Tám (sinh năm 1958, ngụ khóm Đông Thịnh 8, phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) gắn bó với nghề gói và đẩy xe đi bán bánh ú. Công việc vất vả nhưng cũng chính nhờ cái nghề này, vợ chồng ông bà đã nuôi được 2 người con trai học xong bác sĩ, dược sĩ.

Hình ảnh đôi vợ chồng già tần tảo, ngược xuôi khắp các tuyến đường ở TP. Long Xuyên để mời chào, bán từng chiếc bánh ú thơm ngon đã quá quen thuộc với người dân địa phương. Trước đây, ông Hai là người ở TP. Hồ Chí Minh về TP. Long Xuyên sinh sống. Kinh tế gia đình còn khó khăn, để mưu sinh, ông Hai từng làm nhiều nghề, từ bán bánh mì, bánh ú, bánh tét…

Sau này, khi ông Hai cưới bà Tám, học được nghề rồi vợ chồng chuyển hẳn qua tự gói bánh ú rồi chở đi bán. Bánh ú ngon, giá rẻ, thương hiệu “Bánh ú ông Hai” cứ thế được nhiều người biết đến. “Vừa gói bánh, vừa đi bán nên khi khách hàng có phản hồi về chất lượng bánh, như: Mặn, ngọt hay nếp như thế nào… là về mình cải thiện liền, làm sao cho vừa miệng khách hàng nhất” - ông Hai tâm sự.

Những chiếc bánh ú đã giúp vợ chồng ông Hai nuôi 2 người con ăn học

Để gói được cái bánh ú ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ sáng sớm là phải đi chợ mua nguyên liệu từ nếp, thịt, đậu, lạp xưởng, trứng muối… mang về sơ chế, ướp cho vừa ăn. Vừa canh nồi đậu đang nấu trên bếp, bà Tám vừa quay qua chuẩn bị lá, dây để khi đậu chín tới là gói liền cho kịp giờ nấu bánh. Ngày nào cũng vậy, khoảng 2 giờ 30 phút - 3 giờ chiều, bánh mới được gói xong, nấu trong khoảng 2,5 tiếng là bánh chín.

Vớt bánh ra là mang đi rửa nước lạnh liền, cách làm này giúp lá bánh khô ráo, bảo quản được lâu. Khoảng 6 giờ tối, 2 ông bà để bánh lên xe đạp, 2 người 2 hướng, ngược xuôi đẩy bánh đi bán từ sập tối đến tận khuya mới quay trở về nhà. Dọn dẹp, nghỉ ngơi chưa được bao lâu là phải thức dậy chuẩn bị cho cử bánh ngày hôm sau.

Công việc chiếm lấy hết thời gian của ông bà, nhưng vì phải lo cho con cái ăn học mà luôn gắng sức, đi xa hơn một chút, bán nhiều hơn một cái bánh cũng có tiền lo cho con. “Hồi trước, ổng còn khỏe thì 2 vợ chồng chia sẻ công việc với nhau, không nề hà gì. Dạo gần đây, trái gió trở trời, ổng hay bệnh, bởi vậy chỉ phụ đẩy bánh đi bán. Cái nghề này thấy vậy cực dữ lắm, làm từ sáng sớm đến tận khuya mới được nghỉ ngơi vài tiếng là qua ngày mới nữa rồi, công việc lại tiếp tục” - bà Tám chia sẻ.

Hồi trước còn khỏe, còn đẩy đi bán đường xa nên gói nhiều vẫn bán hết. Giờ ông bà có tuổi nên mỗi ngày gói và bán khoảng 100 cái bánh ú, đủ các loại ngọt, mặn. Ông Hai hay nói vui: “Nuôi 2 đứa con đi học cũng nuôi luôn bà cho vay tiền góp”, vì hầu như tháng nào cũng phải đi vay mới đủ gửi cho con trả tiền trọ, tiền ăn uống, sách vở. Còn mỗi lần tới tiền học phí của con là ông bà mất ăn, mất ngủ, chạy đầu này, mượn đầu kia mới có đủ tiền gửi cho con học ở TP. Cần Thơ. Thương cha mẹ vất vả, 2 người con trai rất chăm chỉ học hành, ngoài giờ học là đi làm kiếm tiền trang trải sinh hoạt, đỡ đần cho cha mẹ.

“Nếu tính thẳng thóm, tiền lo cho 2 đứa đi học chắc cũng phải tính bằng tiền tỷ. Mà giờ nhẹ rồi, đứa nào cũng học xong, có việc làm, thành gia lập thất. Thằng thứ 2 làm bác sĩ ở Bình Dương, còn thằng út làm dược sĩ ở TP. Cần Thơ. Mấy năm trước, 2 anh em nó hùn tiền xây cho vợ chồng tôi căn nhà mới. Bàn tính chuyện làm ăn gì cũng điện thoại về hỏi ý kiến cha mẹ, tôi với bả đồng ý thì tụi nó mới làm. Chỉ nhiêu đó thôi đã mãn nguyện, vì con cái nên người, không quên công lao của cha mẹ cực khổ” - ông Hai trải lòng.

Xe bánh ú của vợ chồng ông Hai là ký ức tuổi thơ của rất nhiều người dân TP. Long Xuyên, vì bánh ngon mà người bán nói chuyện rất thiệt tình. Mấy năm trước, có nhiều bạn trẻ chia sẻ hình ảnh xe bánh ú của ông Hai lên các trang mạng xã hội, nên được nhiều người biết đến. Nhờ được ủng hộ nên bánh thường hết sớm, ông bà được quay về nhà nghỉ ngơi. Bánh ú của ông Hai còn được mọi người phong cho danh hiệu “Bánh ú ngon nhất TP. Long Xuyên”.

“2 đứa con có hiếu lắm, kêu vợ chồng tôi nghỉ ngơi, đừng làm nghề này nữa, nhưng mà quen tay rồi, không làm sao được. Giờ ở không là bệnh chắc luôn. Kệ đi, giờ vợ chồng lượng sức, còn làm nổi tới đâu thì cứ làm, lao động vậy mà vui, khỏe” - bà Tám thiệt tình nói.

Bậc làm cha mẹ dù có cực khổ đến đâu mà nuôi được con cái ăn học thành tài, làm người có ích cho xã hội thì đó là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của đời người.

 

ÁNH NGUYÊN