Lịch sử dân tộc ta hàng ngàn năm khẳng định, đất nước Việt Nam luôn hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, rất cần bình yên để người dân lao động, sản xuất... nhưng kẻ thù không để yên, lúc nào cũng dòm ngó. Bảo vệ non sông, người Việt Nam buộc phải cầm vũ khí chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân, chứ không đối đầu, tranh đua cao thấp, thắng hay bại. Truyền thống văn hóa nước ta ngàn đời đã chứng minh điều này. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta vẫn luôn giữ trong tim tinh thần bất di bất dịch ấy. Khép lại quá khứ, không có nghĩa là quên nó, bởi quá khứ đã lưu giữ hàng ngàn bài học quý giá cho mọi người và cho mọi quốc gia.
Tháng 12/1972, bị trận “Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết. Thắng lợi to lớn, toàn diện đó đánh dấu bước phát triển quan trọng của cách mạng miền Nam, rút ngắn thời gian Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Xem xét tình hình, Đảng ta vận dụng sáng tạo phương thức kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với nổi dậy đấu tranh giành chính quyền của Nhân dân.
Sau gần 1 tháng tổng tiến công, quân ta liên tiếp mở 2 chiến dịch ở Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, cùng nhiều chiến dịch khác, đã tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ quân địch, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy, giải phóng Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung cùng nhiều địa bàn quan trọng khác. Thấy điều kiện đã đến, ta quyết định tiến hành chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong thời gian rất ngắn, quân ta thần tốc cơ động tập trung lực lượng tương đương 5 quân đoàn, tạo sức mạnh ưu thế để tiêu diệt quân địch, sử dụng cách đánh táo bạo và sáng tạo. Đặc biệt, bất ngờ đồng loạt tiến công 5 hướng với sức mạnh hiệp đồng các binh chủng, tiêu diệt sư đoàn địch phòng ngự ở tuyến ngoài. Đồng thời, nhanh chóng tổ chức các binh đoàn thọc sâu, đánh thẳng vào mục tiêu trọng yếu của địch. Trước sức tiến công nhanh, mạnh của các binh đoàn chủ lực, thế trận quân địch bị vỡ từng mảng, hệ thống chỉ huy ngụy mất hiệu lực, Nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Trưa 30/4/1975, chế độ tay sai Việt Nam cộng hòa hoàn toàn sụp đổ.
Nhân ngày 30/4, điểm lại vài nét quá khứ, hiện tại để cùng nhau thấu hiểu về đất nước, con người Việt Nam, về khát vọng của dân tộc. Dẫu là quá khứ hay hiện tại, lẽ phải là đạo lý, mang trong lòng sức mạnh không thể khuất phục. Là người Việt Nam, dù trong hay ngoài nước, dù còn chính kiến khác nhau, nhưng lẽ phải cho tất cả con Lạc, cháu Hồng là một Việt Nam hòa bình, thống nhất! Đã là người Việt Nam, hãy làm tất cả những gì có thể để đất nước ngày càng phát triển sánh vai với các cường quốc! Đó là lẽ phải, đó là đạo lý.
Không phải ngẫu nhiên, trên các diễn đàn quốc tế, nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định "chọn lẽ phải, chọn chính nghĩa" thực thi, trong mọi trường hợp hành xử đúng như vậy. Lẽ phải là chân lý, là cái đúng cho mọi người, cho mọi quốc gia. Lẽ phải bao giờ cũng thắng lợi. Chiến thắng 30/4/1975 minh chứng rõ cho điều đó.
Cái lớn lao hơn cả của chiến thắng 30/4 là ngày hội thống nhất của non sông, một Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Đây là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; là đỉnh cao khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Kể từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân tộc ta đã 30 năm kiên cường chiến đấu hy sinh để đi đến “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thu đất nước về một mối, “Bắc - Nam sum họp một nhà”.
NGUYÊN HẢO