Bánh của ký ức

21/04/2023 - 15:40

 - Những nhân vật trong bài viết này đều do chúng tôi kỳ công tìm gặp. Thật ra, họ vẫn ở nơi cũ, quây quần với nếp sống cũ, nào có đi đâu xa. Chỉ là, họ lui vào một góc lặng lẽ, góp chút quá khứ vào cuộc sống muôn màu của hiện tại.

Giữa câu chuyện họ kể, là nỗi nhớ miên man, bắt đầu bằng “Hồi xưa…”. Thuở ấy, thiếu thốn đủ bề. Cơm ăn áo mặc hàng ngày thiếu trước hụt sau, ai dám nghĩ đến bánh trái ăn vặt. Chưa kể, nhiều loại bánh được kỳ công thực hiện, chỉ tìm thấy trong dịp đám tiệc trang trọng, ngày thường rất hiếm gặp. Hiếm, hiển nhiên quý. Thợ làm các loại bánh này không bao giờ ngơi việc.

Như câu chuyện của bánh bông lan đường, một loại bánh bông lan đơn giản, với cách làm truyền thống xưa nay. Chúng đặc biệt hơn ở chỗ, mặt bánh được phủ lớp đường dày cộm, cứng ngắc mà hết sức sinh động, vui mắt. Bánh tơi xốp, cầm lên thiệt nhẹ tay để không bị bể. Muốn ăn bánh, không thể hấp tấp cắn miếng to, vì dễ bị… nghẹn và vướng lớp đường khô khan. Nếu nói ngon thì không hẳn ngon xuất sắc, bởi nhiều loại bánh dân gian khác có hương vị “lấn lướt” hơn.

Những chiếc bánh dân gian

Nói về mặt hình thức, bánh bông lan đường chiếm ưu thế. Bởi, chúng mang màu sắc tươi sáng, hoa văn xanh, đỏ, vàng xếp theo thứ tự lớp lang rất riêng. Đặt nhiều chiếc bánh bông lan đường ở cạnh nhau, chúng trở thành vườn hoa đua sắc, sáng bừng một góc không gian.

Bởi vậy, chúng trở thành món đồ trang trọng trên mâm lễ, chất chứa niềm tích cực cho con người. Không ai rõ chúng trở thành loại bánh trong mâm quả dùng cho tiệc cưới, hỏi từ khi nào. Nhưng ở miền Tây, người lớn tuổi nhớ hoài mâm bánh nhẹ tênh, mà nặng trĩu nghĩa tình, đầy ắp mong ước về cuộc sống ấm áp, hạnh phúc, đủ đầy cho đôi trẻ về sau.

Bẵng đi rất lâu, món bánh quê này chợt vắng bóng. Chúng “bí ẩn” đến mức, trên mạng Internet cũng không hề có thông tin, hình ảnh. Có lẽ, chúng bớt nổi bật so với những loại bánh hiện đại “sinh sau đẻ muộn”, hoặc người ta không còn thích mâm bánh lễ giản đơn ngày xưa nữa. Hoặc cũng có thể, thợ làm bánh bông lan đường dần trở thành “người muôn năm cũ”. Muốn tìm mua, biết đâu mà lần!

Vô tình, chúng tôi tìm gặp lại bánh bông lan đường, trong Ngày hội bánh dân gian được tổ chức ở xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú). Sự tò mò trỗi dậy, chúng tôi tìm đến tiệm bánh duy nhất làm ra loại bánh này. Bà Phạm Thị Trúc (sinh năm 1975) kể lại, khi về làm dâu, bà thấy bà ngoại chồng truyền nghề cho mẹ chồng. Mẹ chồng mất, bà Trúc trở thành người kế thừa món bánh “gia truyền” này.

Gần 30 năm về làm dâu, cũng là ngần ấy năm bà Trúc giữ nghề. Các con được bà nuôi khôn lớn cũng từ mẻ bánh ngày này qua tháng nọ, chưa bao giờ đứt đoạn.

“Bánh không khó làm, nhưng chắc thợ chê cực khổ, dần nghỉ bớt. Ai chê, chứ tôi không chê. Ở nhà làm túc tắc, vừa trông coi nhà cửa, vừa kiếm thu nhập ổn định, sao bỏ bánh này được! Chúng tôi không truyền nghề cho người ngoài, dù họ ngỏ ý muốn học. Con cháu trong nhà, đứa muốn bay nhảy tìm việc khác, đứa không đủ khéo tay. May là vẫn có đứa con dâu chịu theo nghề” - bà Trúc trải lòng.

Hay như câu chuyện của bà Dương Kim Thêu (sinh năm 1948, ngụ xã Hòa An, huyện Chợ Mới). Bà bật cười hệch hạc khi chúng tôi hỏi thăm về mấy loại bánh dân gian bà đang làm: “Bánh dùng để chưng mâm đám tiệc, ăn hổng có ngon như bánh ngoài chợ đâu!”. “Hổng có ngon” tức là bánh làm từ bột mì khoảnh, bột mì ngang, nhai xảm xảm trong miệng, chứ không dẻo thơm quến miệng người ăn. Nhưng cũng giống như bánh bông lan đường, các loại bánh bà Thêu làm ra đều bắt mắt, dễ thương, từng “một thời vang bóng” trong mâm tiệc quê nghèo.

Khác với bà Trúc, bà Thêu làm bánh một mình, bởi con cháu ngán ngại cực khổ trong khi bánh bán ra chỉ vài ngàn đồng. Bà không dám đầu tư máy móc vì thấy mình đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Bà sợ mọi người đặt bánh quá nhiều, bà làm không xuể.

Nhưng kêu bà nghỉ ngơi dưỡng già, bà nhất quyết lắc đầu: “Hồi xưa, 15, 16 tuổi, tôi bắt đầu chui vào góc bếp, nhìn người lớn nấu nướng. Tập tành nấu thử, được khen khéo tay, tôi thành thợ nấu luôn tới giờ. Các loại bánh tôi đều biết làm, đâu có học qua trường lớp gì. Tôi gắn bó nhiều nhất là bánh họng xôi, bánh có hình tôm, cua, sầu riêng… Còn người đặt mua thì tôi còn làm. Nghỉ ở không buồn lắm”.

Sống độc thân trong căn nhà nhỏ, bà Thêu lấy nghề làm bánh nặn thành niềm vui, thêm chút sắc màu cho tuổi xế chiều. Bà tỉ mẩn trộn bột, tô điểm cho bột trắng đục thành xanh, đỏ, vàng… Rồi từ đôi bàn tay gân guốc, chai sạm, bà tạo hình con vật đơn giản, có phần thô kệch. Trong bụng chúng căng đầy dừa xào ngọt ngọt với mè. Chỉ vậy thôi, mà cả đời bà say mê tạo ra những chiếc bánh như thế!

“Mấy loại bánh này, nói dễ không dễ, nói khó không khó. Hỏi tôi công thức cụ thể ra sao, tôi không biết diễn tả. Nhưng làm tháng này năm nọ, tôi cân chỉnh liều lượng bột, đường, dừa… quen tay, cứ vậy mà làm. Nhiều người học nghề xong, thấy không phù hợp, lại bỏ. Riết rồi chỉ có tôi am hiểu tất cả công đoạn làm bánh, không ai thay thế được” - bà Thêu chia sẻ, giấu thật kỹ nỗi buồn trong mắt.

Chúng tôi cũng giấu nỗi buồn bâng quơ về một ngày nào đó không còn tìm gặp các loại bánh dân gian như thế nữa, không tìm thấy “người muôn năm cũ” nữa. Đến lúc ấy, chiếc bánh quê chợt hóa thành nỗi nhớ phức tạp trong lòng người, biết lấy gì lấp đầy…

VẠN LỘC