Bánh trung thu có nguồn gốc và ý nghĩa thế nào?

30/09/2020 - 07:55

Mặc dù bánh trung thu từ lâu là phần không thể thiếu trên mâm cỗ trông trăng, nhưng nguồn gốc và ý nghĩa của nó lại ít người biết rõ.

Bánh trung thu là món đặc trưng không thể thiếu mỗi dịp rằm tháng tám ở những quốc gia tổ chức ăn mừng ngày lễ truyền thống này. Tuy nhiên, câu hỏi bánh trung thu có nguồn gốc từ đâu, xuất hiện từ bao giờ... hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác từ giới nghiên cứu. 

Với người Trung Quốc, có giả thuyết cho rằng từ thời Ân, Chu, ở vùng Triết Giang đã có loại bánh kỷ niệm Thái sư Văn Trọng, gọi là bánh Thái sư. Đây có thể coi như là "thuỷ tổ" của bánh trung thu. Vào thời Tây Hán, Trương Thiên đi Tây Vực mang về Trung Quốc hạt mè, hạt hồ đào (walnut), dưa hấu làm nguyên liệu cho loại bánh này, nên nó được gọi là bánh hồ đào.

Đến thời Đường, ở thành phố Tràng An có những tiệm bánh trứ danh. Tương truyền có một đêm Trung thu, Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi ăn bánh hồ đào, thưởng ngoạn trăng rằm, Đường Huyền Tông chê tên bánh không hay nên đặt tên là bánh nguyệt (mặt trăng) cho thơ mộng hơn. Từ đó về sau người Trung Quốc gọi nó là bánh mặt trăng. 

Đến thời nhà Tống, tập tục ăn bánh trung thu rất thịnh hành trong giới quý tộc. Thơ Tống có nhiều bài viết về việc ăn bánh, ngắm trăng vào ngày này. Tuy nhiên, trong dân gian, việc ăn bánh trung thu lúc đó chưa phổ cập. 

Có giả thuyết cho rằng tập quán ăn bánh mặt trăng mỗi dịp Trung thu bắt đầu từ cuối thời Nguyên, khi Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn nổi dậy. Để có thể truyền đạt tin tức và mệnh lệnh một cách bí mật, họ cho làm những cái bánh hình tròn, phía trong nhét tờ giấy ước định thời gian khởi nghĩa là thời điểm trăng sáng nhất trong đêm rằm tháng Tám.

Những cái bánh này được người ta truyền đi cho nhau và trở thành một phương tiện liên lạc. Phương pháp này tỏ ra hết sức hiệu nghiệm, tin tức hô hào khởi nghĩa được truyền đi khắp nơi. Về sau, người Trung Quốc lấy việc làm bánh này vào ngày rằm tháng Tám để kỷ niệm sự kiện ấy, tạo thành phong tục.

Ở Việt Nam, bánh trung thu truyền thống gồm có 2 loại là bánh nướng và bánh dẻo. Với hình dáng tròn đầy, ngập các loại nhân, bánh trung thu thể hiện sự viên mãn, sung túc. Bên cạnh đó, nó còn có ý nghĩa đoàn viên. Nhân bánh mặn, ngọt, đủ vị thể hiện sự ấm áp, ngọt ngào của gia đình.

Ngoài ra, người dân các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia cũng ăn bánh trung thu mỗi dịp rằm tháng Tám âm lịch, bánh của mỗi nước đều có nét riêng về hình thức và hương vị.

Theo THẢO NGUYÊN (VTC News)