Báo chí góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc

31/10/2022 - 07:05

 - Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc luôn là nhiệm vụ quan trọng trong lịch sử từ ngàn xưa đến nay. Hiện nay, sự phát triển của xã hội hiện đại, cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, thì yêu cầu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa càng có giá trị và ý nghĩa to lớn.

Văn hóa - nguồn lực phát triển quan trọng

Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Lãnh đạo tỉnh ghi nhận, biểu dương, khen thưởng các cơ quan báo chí trong tỉnh

Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa trong công cuộc phát triển tỉnh nhà, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh An Giang đã chú trọng đến công tác phát triển văn hóa; tăng cường đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, tôn giáo, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; đồng thời khai thác và phát huy tài nguyên di sản văn hóa vốn có trở thành thế mạnh trong lĩnh vực phát triển văn hóa, du lịch (DL) tỉnh nhà.

An Giang tọa lạc ở vị trí địa lý tương đối đặc biệt, ở phía Tây Nam của đất nước. Là nơi địa đầu biên giới, đón nhận dòng Mekong hùng vĩ chảy vào Việt Nam, An Giang đã chứng kiến nhiều biến động lịch sử quan trọng. Quá trình phát triển của An Giang có sự góp sức của các cộng đồng dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm… Tính đến năm 2022, tỉnh An Giang có 29 dân tộc sinh sống. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, tỉnh còn 28 dân tộc thiểu số, với 119.219 người, 28.481 hộ, chiếm 5,26% dân số toàn tỉnh.

Với bề dày truyền thống, An Giang có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể rất đặc sắc, đa dạng của cộng đồng định cư trên địa bàn tỉnh với trên 160 lễ hội truyền thống, tạo thành nét văn hóa độc đáo, đặc sắc riêng của mỗi dân tộc. Một điểm đáng lưu ý là sự hình thành các tôn giáo nội sinh ở An Giang, như: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo. Bức tranh đời sống cư dân phong phú, với các sinh hoạt lễ hội cộng đồng càng tạo ra nhiều dấu ấn văn hóa cho vùng đất An Giang. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, là nguồn lực quan trọng để góp phần phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, thời gian qua, các cơ quan báo chí trong tỉnh đã phát huy vai trò tiên phong, tuyên truyền kịp thời các nghị quyết, kết luận của Trung ương và của tỉnh về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Với quan điểm đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc, tôn giáo, các cơ quan báo chí, truyền thông trong tỉnh đã mở các chuyên trang, chuyên mục về văn hóa, DL nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” để nâng cao ý thức, khơi gợi lòng tự hào về quê hương, đất nước. Đồng thời, quảng bá hình ảnh, nét đặc sắc trong phong tục tập quán, các lễ hội văn hóa, các di tích văn hóa, lịch sử… để thu hút khách tham quan trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu.

Điển hình, trên trang 6, số báo thứ 2 hàng tuần, Báo An Giang phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở chuyên trang văn hóa, DL; trên trang 6, 7 các số báo trong tuần, tòa soạn tăng cường các bài viết, phóng sự viết về vùng đất, con người An Giang, các lễ hội văn hóa, di tích lịch sử… trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương; tác động tích cực trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân đảm bảo phù hợp với luật pháp, đạo đức và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Các cơ quan báo chí trong tỉnh còn tăng cường thông tin, tuyên truyền, quảng bá miền đất, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh, những thành tựu về mọi mặt của đất nước Việt Nam và An Giang - quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Duy trì hoạt động của các chuyên trang, chuyên mục về phát triển văn hóa, DL; thường xuyên thông tin về tour, tuyến, điểm DL, dịch vụ, cơ sở lưu trú, nhà hàng, các điểm vui chơi, giải trí và các hoạt động văn hóa, DL. Qua đó, nhằm tạo dựng hình ảnh, thương hiệu DL mang đặc trưng riêng của tỉnh An Giang và Việt Nam nói chung đến với du khách, bạn bè trong và ngoài nước.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí còn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, gia đình, thể thao và DL; tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi mê tín dị đoan trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức lối sống, văn hóa ứng xử, bình đẳng giới trong gia đình tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và của người dân về công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số…

Thông qua công tác tuyên truyền, các cơ quan báo chí đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với đông đảo nhân dân và du khách. Đồng thời, góp phần thúc đẩy kinh tế trên địa bàn tỉnh phát triển, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên và sức mạnh đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, chủ động nắm bắt thời cơ, thuận lợi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đưa An Giang phát triển bền vững. 

THU THẢO