Xu thế tất yếu
Đến thời điểm này, báo chí thế giới đã trải qua 3 giai đoạn chuyển đổi số: Báo chí số (báo mạng điện tử) từ năm 1992; dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật kết nối… từ năm 2016; trí tuệ nhân tạo (AI) từ năm 2018. Những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tiên phong về chuyển đổi số quốc gia, trong đó có lĩnh vực báo chí. Đáng ghi nhận là sự ra đời của các mô hình truyền thông mới, như: Báo chí di động, tòa soạn hội tụ, báo chí mạng xã hội, báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện…
Thực tiễn cuộc sống hình thành nhóm công chúng số. Đây là nhóm đối tượng sinh ra trong thời đại số, có năng lực sử dụng kỹ thuật, công nghệ, nền tảng số; chủ động tiếp cận và tiếp nhận thông tin; có khả năng cao trong tham gia, tương tác truyền thông với nhiều nhóm đối tượng, ở nhiều mức độ, cấp độ, có thể trở thành nguồn phát – người tạo nội dung báo chí số. Yếu tố này tác động mạnh mẽ đến trách nhiệm của người làm báo trong bối cảnh chuyển đổi số.
Ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chung là xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Đến năm 2025, có 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động (đến năm 2030 là 90%); 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học - công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số (đến năm 2030 là 100%); 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí… Đến năm 2030, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Thay đổi phải từ bên trong
Trên các nền tảng số, người dùng có thể chủ động tạo ra lượng lớn nội dung thông tin, theo kiểu “nhà báo công dân”. Các cơ quan báo chí nếu không thay đổi, không theo kịp xu hướng thì khó đáp ứng nhu cầu theo dõi thông tin chủ động của công chúng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Sự sụt giảm, mất số lượng lớn công chúng báo chí đồng nghĩa với việc giảm nguồn thu, mất an ninh, an toàn thông tin trên không gian số.
Tuy nhiên, nhanh chưa hẳn đồng nghĩa với đúng. Mạng xã hội đang dần mất uy tín vì tin giả. Nhu cầu ngày một lớn hơn về tin chính xác, tin có kiểm chứng của độc giả trở thành mảnh đất “độc quyền” của báo chí. Thay vì đua về mặt thời gian thông tin với mạng xã hội, báo chí quan tâm hơn đến việc giữ giá trị cốt lõi của mình. Nhiều cơ quan báo chí xây dựng mô hình tòa soạn đa phương tiện, lấy báo điện tử làm trung tâm và tòa soạn hội tụ ra đời. Điều này làm thay đổi toàn diện hoạt động của cơ quan báo chí lẫn người làm báo từ quy trình thu thập, sản xuất, quản trị dữ liệu, phân phối nội dung thông tin, tiếp nhận và xử lý phản hồi của công chúng; đến thay đổi thói quen làm việc, cách trao đổi, giao tiếp với nhau; cách xây dựng bộ máy và quản trị hệ thống phân cấp trong tòa soạn, tạo ra văn hóa công sở mới, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Xu thế truyền thông hội tụ đòi hỏi nhà báo phải làm việc “đa năng” hơn. Phóng viên, biên tập viên vừa có kỹ năng viết bài, vừa biết sử dụng thiết bị kỹ thuật để tạo ra nội dung phù hợp với điện thoại thông minh, máy tính bảng; biết quay, xử lý video, ghi âm, đưa sản phẩm đã chỉnh sửa lên mạng Internet…
Nhà báo Nguyễn Rạng (Báo An Giang) làm báo mấy mươi năm, trải qua nhiều giai đoạn làm báo khác nhau. Ông làm báo từ thời phải lặn lội tàu xe mấy ngày mới hoàn thành chuyến công tác ở cơ sở, rồi về nhà nắn nót viết tay bản thảo trên giấy ngả màu. Thời điểm máy vi tính lên ngôi, ông lại trăn trở tiếp cận công nghệ mới, túc tắc gõ từng con chữ. Dần dần, bản thảo của nhà báo trung niên bớt việc mắc lỗi morat, ông gõ chữ trên word thành thạo hơn hẳn. Nhưng điện thoại thông minh phổ biến mạnh mẽ, yêu cầu làm báo giai đoạn mới cần nhanh hơn, chính xác hơn, hiện đại hơn. Vậy là, ông tiếp tục mò mẫm ứng dụng trên điện thoại thông minh, chụp ảnh, tác nghiệp bằng chiếc điện thoại mới; rút ngắn thời gian viết tin, bài hơn so với trước. “Lớn tuổi là trở ngại đáng kể khi tôi tiếp cận công nghệ mới. Nhưng nếu không chịu khó học hỏi, mày mò áp dụng, chắc chắn không hoàn thành công việc, ảnh hưởng đến nhiệm vụ được giao của bản thân, lẫn quá trình xuất bản của tòa soạn. Vì vậy, tôi phải tự nâng cấp, học hỏi vượt lên chính mình mỗi ngày” - nhà báo Nguyễn Rạng chia sẻ.
Nhà báo Nguyễn Thanh Sơn (biên tập viên cao cấp, phụ trách Văn phòng đại diện Tạp chí Cộng sản tại ĐBSCL) chia sẻ: “Chuyển đổi số trong báo chí chính là chuyển đổi tư duy, đặc biệt là tư duy người đứng đầu, tập thể lãnh đạo tòa soạn, để từ đó chuyển đổi nhận thức, lan tỏa cảm hứng, quyết tâm đến tất cả thành viên trong đơn vị; chuyển đổi về văn hóa trong cả tòa soạn. Đây là thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số tại báo Đảng địa phương. Tác phong, phương thức làm nghề của nhà báo có thể thay đổi, nhưng để báo chí tiếp tục phát huy chức năng định hướng dư luận xã hội, giữ vững vị trí là nguồn thông tin chủ lưu, chính thống, để được xã hội tôn trọng, đánh giá cao, bên cạnh chuyên môn giỏi, người làm báo chân chính cần có bản lĩnh chính trị vững vàng; luôn có ý thức trau dồi, giữ vững trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp”.
GIA KHÁNH