Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch khi dạy học trực tiếp

23/11/2021 - 07:57

Sau thời gian dài học sinh “tạm dừng đến trường-không dừng học” để phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai… đã từng bước cho học sinh đi học trực tiếp trở lại. Đây là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các địa phương, cơ sở giáo dục nhằm duy trì việc dạy và học ổn định.

Giờ học trực tiếp của học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Khi học sinh đi học trở lại, yêu cầu "then chốt" đặt ra đối với mỗi địa phương, cơ sở giáo dục là nêu cao tinh thần phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 22/11, học sinh khối 9 các trường THCS thuộc 10 huyện của Hà Nội, gồm: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ứng Hòa đã cho học sinh đi học trực tiếp trở lại. Theo báo cáo của các huyện, 200 trong tổng số 459 trường THCS đã cho học sinh đến trường học tập trực tiếp. Các huyện, thị xã: Hoài Đức, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Sơn Tây và Trường phổ thông dân tộc nội trú Ba Vì đang chuẩn bị các điều kiện và sẽ cho học sinh đến trường vào ngày 23 và 24/11.

Tại huyện Đan Phượng, sáng 22/11, học sinh lớp 9 của 15 trong tổng số 16 trường đã đi học trở lại. Đúng 6 giờ sáng, cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường đã có mặt để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các xã, thị trấn đã cử lực lượng công an, y tế phối hợp nhà trường phân luồng học sinh trước cổng trường và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Học sinh Trường THCS Thọ An (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) sát khuẩn tay trước khi vào trường. 

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng, trong ngày học đầu tiên có 2.603 học sinh tới trường, đạt tỷ lệ 99,4 %; 16 học sinh nghỉ học do đang bị ho, cúm, sốt xuất huyết, gia đình có việc riêng. Ghi nhận tại Trường THCS Mai Đình (huyện Sóc Sơn), nhà trường đã bố trí đón học sinh theo hai lối riêng: Một lối dành cho các học sinh đi xe đạp và một lối dành cho học sinh đi bộ. Tại mỗi lối đi đều có bàn đón tiếp, có người đứng trực đo thân nhiệt và sát khuẩn tay cho học sinh.

Nhà trường cũng bố trí các lớp học cách xa nhau, bảo đảm không tập trung đông người vào những giờ nghỉ. Sau khi kiểm tra một số cơ sở giáo dục đón học sinh quay trở lại trường học trực tiếp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, các nhà trường đã chủ động, tích cực chuẩn bị cho công tác đón học sinh tới trường với mục tiêu quan trọng là bảo đảm an toàn cho học sinh.

Ngày 22/11, toàn bộ học sinh khối lớp 12 tại TP Đà Nẵng chính thức đi học trực tiếp. Đây là khối lớp học sinh thứ hai được đi học trực tiếp sau khi Đà Nẵng đã khống chế được dịch bệnh và tiêm phủ vắc-xin phòng Covid-19 mũi một cho toàn bộ học sinh cấp THPT. Tại Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu), nhà trường bố trí máy đo thân nhiệt tự động, bố trí khu vực quét mã QR khai báo y tế trên ứng dụng PC-Covid, nước sát khuẩn và bố trí các phòng học giãn cách trong các dãy, có khu vực cách ly y tế dự phòng.

Trường cũng tổ chức dạy học lớp cách lớp, nghỉ giữa tiết, ra chơi bảo đảm giãn cách; phun khử khuẩn sau mỗi buổi học... Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng Mai Tấn Linh, đến nay, có khoảng 99% số học sinh khối lớp 12 đã tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19; đang tổ chức tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh khối lớp 8, 9. Theo kế hoạch, trong tuần đầu tiên, các trường THPT tổ chức dạy củng cố kiến thức, ôn tập trước khi triển khai kiến thức mới. Đồng thời tổ chức kiểm tra để đánh giá lại quá trình học sinh học trực tuyến từ đầu năm học đến nay để đưa ra khung bài giảng phù hợp.

Tại tỉnh Đồng Nai, sáng 22/11, nhiều trường học trên địa bàn đã đón học sinh đi học trực tiếp trở lại. Đây là nỗ lực lớn của Đồng Nai, khi địa phương là một trong ba tỉnh, thành phố của cả nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Trong ngày đầu, Trường THCS Phú Hòa (huyện Định Quán) đã bố trí giáo viên, nhân viên y tế trực ở cổng trường để hướng dẫn học sinh rửa tay, đo thân nhiệt.

Các bảng hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 được đặt tại khu vực học sinh dễ thấy; ở từng lớp đều được trang bị nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang dự phòng. Hai học sinh được bố trí ngồi một bàn, giữ khoảng cách tối thiểu 1m. Cô giáo Trần Thị Tường Linh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phú Hòa cho biết, nhà trường phối hợp ngành y tế tổ chức test nhanh Covid-19 với học sinh và giáo viên; vệ sinh phòng học, thực hiện các biện pháp 5K; thành lập Tổ phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị để hỗ trợ thực hiện giãn cách và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai Trương Thị Kim Huệ cho biết, các trường đều chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, phương tiện và phương án phòng, chống dịch Covid-19. Để bảo đảm an toàn, sự phối hợp của phụ huynh trong tuyên truyền, nhắc nhở học sinh tuân thủ quy định phòng dịch rất quan trọng, từ đó, góp phần đưa hoạt động dạy và học sớm được trở lại bình thường.

Học sinh Lê Thị Nga My, lớp 9A5, Trường THCS Mai Đình (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ: “Em cảm thấy yên tâm khi thấy mọi quy trình đều được kiểm soát chặt chẽ. Bản thân em cũng có ý thức thực hiện các quy định và nhắc nhở các bạn cùng thực hiện. Học sinh Nguyễn Thanh Thảo, Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Em rất vui được gặp bạn bè, các thầy, cô giáo, được ôn lại kiến thức theo thời khóa biểu. Em mong rằng dịch bệnh sẽ ổn định, được tiêm mũi 2 vắc-xin để an toàn hơn khi đến trường”.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại, các trường cần phân loại học sinh và dành thời gian ôn tập, bổ trợ kiến thức cho các em trước khi tiến hành kiểm tra, đánh giá. Với những địa phương chưa thể dạy học trực tiếp trở lại, việc kiểm tra đánh giá định kỳ có thể linh hoạt áp dụng các hình thức trong quy định về đánh giá học sinh tiểu học, THCS, THPT và quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến.

Theo Nhân Dân