Hiện trường giải cứu bé trai rơi xuống và mắc kẹt trong ống cọc bê-tông tại Đồng Tháp.
Ngày 31/12/2022 vừa qua, tại công trường thi công dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, một bé trai đã rơi xuống và mắc kẹt trong ống cọc bê-tông đóng sâu dưới lòng đất.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, các lực lượng tại chỗ đã chủ động, tích cực triển khai công tác cứu nạn, đồng thời lực lượng chuyên nghiệp được huy động tối đa, hỗ trợ, nhưng công tác cứu nạn vẫn gặp nhiều khó khăn. Trước đó, vào ngày 25/2/2022, sự cố tại khu vực rửa xe thuộc xưởng hệ thống pin năng lượng mặt trời của Công ty cổ phần thủy điện Minh Tân tại ấp Tân Phú, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, khiến hai người chết do rơi xuống hồ nước.
Hay vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 25/5/2022 trong quá trình cải tạo thang máy tại nhà ở số 12 ngõ 523 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội làm hai người chết... Nhiều vụ mất an toàn trong thi công xây dựng không chỉ xảy ra với người lao động mà còn với cả người dân chung quanh khu vực công trường. Đây không chỉ là những bài học đau xót, gióng lên lời cảnh tỉnh trong thi công xây dựng, mà còn đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý an toàn lao động và rộng hơn là chất lượng công trình.
Trước đây, chất lượng công trình xây dựng thường bị "bỏ ngỏ" cho chủ đầu tư, nhất là các dự án không thuộc nguồn vốn ngân sách. Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 6/2/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng, nhiều lỗ hổng đã được giảm thiểu. Tuy nhiên, tình trạng mất an toàn lao động và nhiều sự cố trên công trình xây dựng vẫn xuất hiện tại hầu hết các lĩnh vực cho thấy công tác giám sát, quản lý xây dựng công trình chưa thật sự sát sao.
Thực tế, các công trình xây dựng ngày càng có quy mô lớn và phức tạp hơn, do vậy vấn đề an toàn lao động trong thi công xây dựng đặt ra cao hơn, trong đó cần đặc biệt quan tâm và giám sát chặt chẽ biện pháp thi công vì đây là khâu rất quan trọng, quyết định rất lớn đến mức độ an toàn lao động. Nhiều công trình xảy ra sự cố đều liên quan biện pháp thi công không chuẩn và mất an toàn, nhất là các dự án giao thông với đặc thù trải dài, vừa thi công vừa lưu thông. Bên cạnh đó, với hàng chục nghìn công trình đã, đang và sẽ triển khai trên cả nước, công tác quản lý chất lượng và an toàn lao động đòi hỏi khối lượng công việc khổng lồ, trong khi lực lượng làm công việc này còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
Nỗ lực ứng cứu nạn nhân gặp tai nạn tại các công trình, điều tra nguyên nhân, đền bù vật chất, tinh thần cho người lao động hay người dân gặp rủi ro và quy kết trách nhiệm đối với các bên liên quan là chuyện đương nhiên, nhưng quan trọng hơn là các giải pháp chấn chỉnh kịp thời nhằm tránh những sự cố tương tự. Riêng đối với vụ việc cháu bé rơi xuống ống cọc bê-tông cầu Rọc Sen, Đồng Tháp, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo sát sao, cụ thể.
Trước mắt, với chức năng quản lý về an toàn lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần phối hợp các bộ, ngành liên quan và các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tăng cường kiểm tra, rà soát thường xuyên, đột xuất công tác bảo đảm an toàn thi công trên các công trình, tập trung vào biện pháp thi công xây dựng.
Bộ Xây dựng với chức năng quản lý chất lượng công trình mặc dù đã ban hành nhiều quy định về bảo đảm chất lượng công trình cũng như an toàn lao động trong thi công, nhưng cũng cần thêm những giải pháp kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công dự án.
Đồng thời, Bộ tập trung nâng cao trình độ, đạo đức của đội ngũ quản lý chuyên ngành, siết chặt việc cấp chứng chỉ hành nghề về quản lý chất lượng, an toàn trong thi công công trình... Những việc làm này cần được duy trì thường xuyên, thực chất, không để "mất bò mới lo làm chuồng". Về lâu dài, các bên liên quan cần có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn nữa đối với những chủ thể nếu để xảy ra sự cố về an toàn lao động và chất lượng công trình.
Theo Nhân Dân