Bảo đảm chất lượng đội ngũ giáo viên theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới

20/02/2023 - 14:13

Sáng 20/2, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” họp Phiên thứ 2.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và các thành viên Đoàn Giám sát... cùng dự.

Đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với định hướng, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết 88 của Quốc hội. Việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã đạt được thành công bước đầu, bảo đảm đủ sách giáo khoa triển khai chương trình mới theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết 51. Các nhà trường đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện chương trình mới. Đội ngũ giáo viên đã thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng bộ ở tất cả các địa phương, vùng, miền (không có bất kỳ cơ sở giáo dục nào chưa được triển khai thực hiện). Tuy việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới còn có sự khác nhau giữa các địa phương, cơ sở giáo dục nhưng về cơ bản đã đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đổi mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện triển khai. Theo đó, việc ban hành chương trình các môn học tự chọn tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2 (môn học tự chọn) và chương trình các môn ngoại ngữ 1 ngoài Tiếng Anh chậm so với các môn học khác. Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp Trung học Cơ sở và cấp Trung học Phổ thông, nhất là khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới. Số lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ, đồng thời còn thiếu so với quy định. Tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở một số địa phương, đặc biệt là tại một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đẩy mạnh thông tin truyền thông

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tài liệu của tương đối đầy đủ, toàn diện, đồng thời bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, một điểm quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới là chuyển từ truyền tải kiến thức sang phát triển năng lực. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ việc chuyển đổi phương thức thi, kiểm tra đánh giá năng lực theo quan điểm này, để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục theo đúng định hướng đề ra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa chỉ rõ, hiện nay, các trường học đang triển khai việc chuyển đổi chương trình cũ sang chương trình mới theo trình tự cuốn chiếu, gây ra sự đứt gãy giữa nội dung chương trình cũ ở cấp học dưới và chương trình mới ở cấp học trên, gây khó khăn cho các em học sinh phải học một chương trình học mới khi lên cấp. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ các giải pháp để giúp học sinh bổ trợ kiến thức, đồng thời giúp các giáo viên có phương pháp giảng dạy phù hợp để tháo gỡ vướng mắc này.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ băn khoăn về đội ngũ giáo viên. Một số trường sư phạm đang đào tạo sinh viên khối khoa học tự nhiên, sử, địa… nhưng số lượng tuyển sinh và sắp tới tốt nghiệp so với yêu cầu là rất ít. Trong khi đó, số giáo viên thực tế đi bồi dưỡng rồi có chứng chỉ cũng chưa tự tin khi giảng dạy môn tích hợp. Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp gì giải quyết vấn đề này?

Qua khảo sát thực tế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, hiện nay các địa phương đang có những cách hiểu khác nhau trong việc sử dụng sách giáo khoa, do vậy cần đẩy mạnh thông tin, truyền thông để thống nhất cách hiểu, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với vấn đề này. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát để cung cấp số liệu đầy đủ hơn về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho các bộ môn tích hợp trên phạm vi cả nước.

Giải trình về những nội dung này, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc kiểm tra, đánh giá năng lực theo hướng là đánh giá quá trình, thông qua các hoạt động, dự án. Trong quá trình thực hiện các hoạt động để giải quyết vấn đề, học sinh phải tìm tòi, trao đổi, khám phá. Qua đó, giáo viên đánh giá thường xuyên. Trong việc đánh giá định kỳ, xây dựng các ma trận đề phù hợp.

Liên quan đến việc bổ trợ kiến thức cho học sinh, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, Bộ đã ban hành công văn hướng dẫn quy định khối lượng kiến thức cần bổ sung cho từng môn học. Các nhà trường xây dựng chương trình để bù đắp kiến thức cho các em.

Đối với việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình mới, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo phân tích, các nước trên thế giới không phải tất cả môn khoa học đều có giáo viên dạy được 3 phân môn mà tùy theo điều kiện của từng nhà trường để bố trí giáo viên phù hợp. Bộ đã đưa ra lộ trình, yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch để giáo viên có thể chuyển từ đơn môn thành đa môn và có lộ trình từng năm; rất linh hoạt với từng nhà trường, qua đó đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên.

Khoa học, hợp lý, tiết kiệm

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tại phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát đã thảo luận đánh giá kết quả hoạt động thời gian qua và định hướng những việc cần làm trong thời gian tới. Theo đó, công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị đã bảo đảm tiến độ theo kế hoạch, đúng quy định của pháp luật. Cho ý kiến về Chương trình chi tiết, dự kiến phân công thành phần tham gia các Đoàn công tác trực tiếp tại địa phương, cơ quan trong tháng 3 - 4/2023, các đại biểu đề nghị cần xác định đối tượng, địa bàn để khảo sát trực tiếp phù hợp; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của các thành viên...

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Tổ giúp việc đã tích cực, chủ động triển khai nội dung hoạt động theo Kế hoạch; chuẩn bị các tài liệu của Phiên họp thứ 2 đầy đủ, nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, chương trình giám sát chi tiết và các hoạt động cụ thể cần sắp xếp khoa học, hợp lý, bảo đảm tiết kiệm thời gian, hiệu quả và cần thông báo sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên Đoàn giám sát tham gia đầy đủ.

Đối với các hoạt động giám sát trực tiếp tại các địa phương, cơ sở, từng thành viên Đoàn giám sát phát huy tối đa trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch và yêu cầu của Trưởng đoàn Giám sát; tích cực nghiên cứu đề cương, tài liệu giám sát.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Tổ giúp việc tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương, cơ quan chưa gửi báo cáo khẩn trương hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát gửi Đoàn giám sát bảo đảm đúng tiến độ.Yêu cầu đặt ra là hoàn thành việc tổng hợp báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố (Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo giám sát và chuẩn bị dự kiến các nội dung làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương vào ngày 28/3/2023; tài liệu gửi đến các thành viên Đoàn giám sát trước ngày 20/3/2023.

Theo TTXVN